Tại sao một số người đỏ bừng mặt trong khi những người khác lại tái mặt sau khi thực hiện cùng một bài tập?
Đỏ bừng mặt sau khi tập thể dục
Đỏ mặt sau khi tập thể dục thường do sự giãn nở của các mao mạch ở mặt. Tập thể dục khiến hệ thần kinh giao cảm kích hoạt, giải phóng các hormone như epinephrine và norepinephrine.
Những hormone này hoạt động như chất dẫn truyền thần kinh và liên kết với các thụ thể khác nhau, khiến mạch máu giãn ra và lưu lượng máu tăng lên, giúp da có màu hồng hào. Đỏ mặt không có nghĩa là cơ thể không thích hợp để tập thể dục. Đó chỉ là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể và thường không có gì phải lo lắng.
Mặt tái nhợt sau khi tập thể dục
Khuôn mặt bị xanh xao sau khi tập thể dục có thể là do mạch máu bị co thắt hoặc do lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể cần nhiều oxy và năng lượng hơn. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến mặt, khiến khuôn mặt trở nên nhợt nhạt.
Xanh xao không có nghĩa là bạn có sức khoẻ yếu. Cơ thể mỗi người phản ứng với việc tập luyện theo nhiều cách khác nhau, vì vậy mức độ thay đổi trên khuôn mặt cũng khác nhau tùy theo từng cá nhân.
Những phản ứng này là cơ chế điều hòa tự nhiên của cơ thể và thường không gây ra vấn đề sức khỏe.
Những thay đổi bất thường trên cơ thể khi tập thể dục nên chú ý
Đổ mồ hôi nhiều, chóng mặt
Đổ mồ hôi khi tập luyện là điều bình thường, nhưng nếu đổ mồ hôi quá nhiều kèm theo chóng mặt và suy nhược thì bạn cần cảnh giác vì điều này có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước.
Khi thời tiết nắng nóng, bạn không nên tập luyện quá sức, đồng thời, lưu ý không uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn để tránh tình trạng hạ natri máu (thường gọi là ngộ độc nước).
Mặt tái nhợt, tim đập nhanh
Việc khuôn mặt tái nhợt khi tập thể dục là điều bình thường, nhưng nếu sự tái nhợt đi kèm với khó chịu ở tim, khó thở và chóng mặt thì đó có thể là triệu chứng của hạ đường huyết.
Trong trường hợp này, nên ngừng tập luyện để tránh hậu quả nghiêm trọng hơn.
Buồn nôn và nôn
Trong quá trình tập luyện, để đảm bảo cung cấp máu cho cơ, cơ thể sẽ giảm lưu lượng máu đến cơ quan tiêu hóa. Đặc biệt nếu bạn ăn quá nhiều trước khi tập, thức ăn khó tiêu có thể gây buồn nôn. Ngoài ra, một số động tác nhất định (chẳng hạn như squat) có thể nén bụng và làm tăng cảm giác khó chịu.
Nếu cảm thấy buồn nôn trong khi tập, bạn nên dừng lại ngay và nghỉ ngơi. Thông thường cảm giác khó chịu sẽ thuyên giảm nhanh chóng sau khi ngừng tập.
Lưu ý rằng bạn cũng có thể bị buồn nôn hoặc nôn sau khi mất nước. Nếu đổ mồ hôi nhiều sau khi tập thể dục trong thời tiết nắng nóng, bạn có thể đã bị say nắng, bạn nên tìm chỗ tránh nắng và bổ sung nước để hạ nhiệt.
Để ngăn ngừa buồn nôn, tránh tập thể dục gắng sức ngay sau bữa ăn. Nên tập thể dục ít nhất hai giờ sau bữa ăn. Không nên ăn quá nhiều trước khi tập luyện, đặc biệt là thực phẩm giàu chất xơ và chất béo.
*Theo Toutiao