Liều thuốc” của Bộ TT&TT đang dần phát huy tác dụng khi tình trạng mua bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn đã giảm hẳn thời gian gần đây.
SIM rác, cuộc gọi lừa đảo đang là vấn nạn gây nhiều bất ổn cho xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT đã thực hiện những biện pháp quyết liệt, tiến hành thanh tra toàn quốc các đại lý và nhà mạng để phát hiện và xử lý những sai phạm về đăng ký thông tin thuê bao. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT, các nhà mạng đã cam kết dừng hợp đồng với các đại lý và chỉ tập trung vào các chuỗi phân phối có kiểm soát được. Đây có thể là bước ngoặt trong cuộc chiến chống SIM rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. VietNamNet thông tin đến độc giả loạt bài về vấn đề này.
Bài 1: Nhà mạng đồng loạt dừng phát triển SIM qua đại lý
Hiện vẫn còn tình trạng đại lý thuê người đăng ký SIM với đầy đủ thông tin, kích hoạt sẵn rồi sau đó bán lại cho người dùng khác. Trước thực tế trên, Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng và yêu cầu chấn chỉnh nghiêm hiện tượng này.
Quan điểm của Bộ TT&TT là chỉ có phát triển thuê bao một cách chặt chẽ mới hạn chế được tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ ra thị trường. Nếu phát hiện tình trạng SIM rác vẫn bày bán tràn lan, Bộ TT&TT sẽ đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3-12 tháng tùy theo mức độ vi phạm.
Trước áp lực này, các nhà mạng đã buộc phải thắt chặt việc bán SIM thông qua kênh đại lý. Đây được xem là một “liều thuốc” mạnh, tác động ngay lập tức đến “căn bệnh kinh niên” của thị trường viễn thông. Chính sách này đã cho thấy sự hiệu quả tức thì khi hoạt động của các đại lý SIM thẻ dần đi vào khuôn khổ.
55% đại lý SIM thẻ từ chối bán SIM rác
PV VietNamNet đã tiến hành khảo sát thực tế tại 20 đại lý SIM thẻ trên địa bàn 8 quận của Hà Nội. Kết quả cho thấy, 9/20 địa điểm vẫn còn tình trạng mua bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn, chiếm 45% số đại lý được khảo sát.
Tại 11/20 điểm giao dịch còn lại, chiếm 55% số cơ sở được khảo sát, các chủ đại lý kiên quyết từ chối bán SIM rác ngay khi được hỏi. Một vài cơ sở còn cho biết hiện ngừng bán SIM mới do nhà mạng đã khóa kích hoạt.
“SIM rác giờ không bán được đâu. Không bán cả SIM đăng ký chính chủ luôn vì nhà mạng đang khóa kích hoạt rồi”, chủ một đại lý SIM thẻ trên phố Kim Mã chia sẻ khi được đề nghị hỏi mua SIM kích hoạt sẵn.
Với các đại lý thuộc kênh chuỗi, khảo sát tại 4 hệ thống bán lẻ lớn là FPT Shop, Thế Giới Di Động, Hoàng Hà Mobile, CellphoneS cho thấy, cả 4 đơn vị này đều chỉ bán SIM đăng ký chính chủ, không bán SIM kích hoạt sẵn ra thị trường.
Đây cũng là nhóm kênh phân phối SIM thẻ uy tín, được Bộ TT&TT khuyến khích phát triển, bên cạnh các điểm cung cấp dịch vụ do chính doanh nghiệp viễn thông thiết lập. Hai kênh phân phối này hiện chiếm tổng cộng khoảng 20% lượng SIM hàng tháng đổ ra thị trường.
Vẫn mua được SIM rác của hầu hết các nhà mạng
So với một khảo sát khác được PV VietNamNet thực hiện hồi tháng 4 năm nay, tình trạng mua bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn trên địa bàn Hà Nội giờ đây đã giảm hẳn. Tuy vậy, người dùng vẫn có thể tìm mua được SIM rác của hầu hết các nhà mạng trên thị trường.
Trong vai người có nhu cầu, phóng viên dễ dàng tìm mua được SIM đã kích hoạt sẵn của các nhà mạng gốc như Viettel, MobiFone, VNPT VinaPhone, Vietnamobile hay cả những nhà mạng ảo như Local, Wintel.
Khi được hỏi có bán SIM data dùng luôn không cần đăng ký không?, một chủ đại lý trên phố Lương Khánh Thiện (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cửa hàng đang có sẵn một vài SIM của 2 nhà mạng lớn. Anh này cũng đồng thời tư vấn nên dùng loại SIM của 3 nhà mạng lớn dù chi phí cao hơn, nhưng bù lại hoạt động ổn định.
"Em lấy loại nào? SIM data gói 1-2 tháng anh chỉ có loại 195.000, 6GB/ngày, miễn phí tháng đầu, những tháng sau nếu muốn dùng tiếp thì nạp thêm 159.000 nữa. Em muốn không đăng ký thì để anh kích hoạt luôn. Nhà anh còn có loại SIM khác, 290.000 dùng được 3 tháng, mỗi ngày 6GB, kèm theo gọi nội mạng", người bán đon đả mời chào.
Khi người mua chọn được số máy vừa ý, người bán liền tiến hành kích hoạt SIM cho khách bằng thiết bị chuyên dụng. Sau đó, đúng như lời giới thiệu của chủ cửa hàng, chỉ cần lắp SIM vào điện thoại là người mua đã có thể sử dụng số SIM mới để nghe, gọi, truy cập Internet. Tất cả mọi việc chỉ diễn ra trong vòng 5 phút.
Tại một địa điểm khác trên phố Cầu Giấy (Hà Nội), khi được hỏi mua SIM kích hoạt sẵn, chủ của hàng cho biết chỉ có sẵn SIM của 2 nhà mạng ảo. Khi phóng viên chốt mua 1 SIM "siêu data" với giá 250.000, chủ cửa hàng liền gọi cho một đầu mối khác để nhờ kích hoạt. Ngay lập tức, một tin nhắn gửi về máy cho biết "Gói cước đã kích hoạt thành công".
Người mua không cần đăng ký, xuất trình giấy tờ tùy thân nhưng vẫn có ngay 1 số thuê bao đứng tên người khác để sử dụng. Cũng bởi việc mua bán dễ dàng như vậy, SIM rác, SIM kích hoạt sẵn đã trở thành một công cụ thuận lợi cho những kẻ lừa đảo, gây nên mất mát của biết bao gia đình.
Đáng chú ý khi tất cả đại lý bán SIM rác được ghi nhận đều thuộc nhóm đại lý SIM thẻ thông thường. Kênh phân phối này vốn chiếm 80% lượng SIM phát triển mới và được xem là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng SIM không chính chủ.
Theo ghi nhận của phóng viên, quy định chỉ bán SIM đăng ký chính chủ được thực hiện tương đối tốt tại các đại lý SIM thẻ lớn. Ở những đại lý nhỏ, cấp độ thấp hơn, việc tuân thủ quy định không tốt bằng.
Nếu chỉ tính riêng các đại lý SIM thẻ thông thường, 7/16 cơ sở được khảo sát (chiếm 43,75%) không còn tình trạng bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn. 9/16 đại lý (chiếm 56,25%) vẫn đồng ý bán SIM rác khi người mua có yêu cầu. Đây là những con số cho thấy cuộc chiến với SIM rác, SIM kích hoạt sẵn sẽ chưa dừng lại.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc phát triển thuê bao mới của các doanh nghiệp. Từ kết quả thanh kiểm tra, Cục Viễn thông sẽ có biện pháp nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, bao gồm dừng phát triển thuê bao ở các đại lý hoặc dừng phát triển thuê bao mới với các doanh nghiệp vi phạm.
Cục Viễn thông cũng đưa ra khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, chỉ sử dụng SIM chính chủ. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh số điện thoại đã gắn liền với tài khoản ngân hàng và ứng dụng định danh điện tử (VNeID) của mỗi người.
Bài 3: Ứng dụng công nghệ cho khách hàng đăng ký SIM mới online
Giá cước tăng, khách hàng có nên ngừng sử dụng SMS Banking?
Nổi lên tình trạng lừa đảo, tống tiền đại gia, người có địa vị xã hội