Xã hội

Sau sáp nhập, Sở Giáo dục và Đào tạo được trao thêm quyền quan trọng

Linh Chi 24/04/2025 - 14:40

Việc trao quyền cho các Sở GD&ĐT trong công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên là một hướng đi cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn như thiếu hụt giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1581 gửi đến UBND các tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục trong bối cảnh áp dụng mô hình chính quyền mới, khi các đơn vị hành chính cấp huyện được loại bỏ.

Sau sáp nhập, Sở Giáo dục và Đào tạo được trao thêm quyền lực quan trọng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh tái cơ cấu bộ máy chính quyền các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được giao quyền tự chủ nhiều hơn, đặc biệt trong công tác quản lý đội ngũ giáo viên. Các nhiệm vụ cụ thể mà Sở GD&ĐT được phân quyền bao gồm:

Tham mưu và trình UBND tỉnh cùng các cơ quan có thẩm quyền trong việc phê duyệt vị trí việc làm, biên chế công chức và tổng số nhân lực tại các cơ sở giáo dục công lập.

Chủ trì trong việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, điều chuyển chức danh nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên tại các trường công lập.

Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên tại địa phương, bao gồm công tác tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn.

Đảm bảo đủ biên chế quản lý, đủ số lượng lao động theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng giáo dục và tình hình nhân sự tại các trường học.

Được quyền công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trên địa bàn.

Cập nhật thường xuyên dữ liệu về giáo viên, cán bộ quản lý lên hệ thống dữ liệu giáo dục quốc gia và cung cấp cho các cơ quan như UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT.

Trước đây, việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo cơ chế tuyển dụng viên chức, chủ yếu do ngành Nội vụ và chính quyền cấp huyện hoặc tỉnh đảm trách. Tuy nhiên, theo cơ chế mới, việc tuyển dụng giáo viên các cấp (trừ mầm non thuộc quyền tuyển dụng của cấp xã) sẽ được phân cấp mạnh mẽ cho Sở GD&ĐT tại địa phương. Đây được xem là bước đi đột phá trong cải cách ngành giáo dục, góp phần giải quyết tình trạng mất cân đối giáo viên giữa các địa phương và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sư phạm.

Điều chỉnh này cũng phù hợp với dự thảo Luật Nhà giáo, hiện đang được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và dự kiến tiếp tục tại Kỳ họp thứ 9. Theo dự thảo, thẩm quyền tuyển dụng giáo viên thuộc về cơ quan quản lý giáo dục hoặc được phân cấp, ủy quyền cho từng cơ sở giáo dục tùy theo mức độ tự chủ.

Cụ thể, đối với các trường được giao quyền tự chủ, hiệu trưởng sẽ có quyền trực tiếp trong công tác tuyển dụng. Trong khi đó, với các trường ngoài công lập, việc tuyển dụng sẽ do nhà trường tổ chức theo quy chế riêng.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định cơ quan quản lý giáo dục sẽ chủ trì trong các quyết định liên quan đến bố trí, điều động hoặc bổ nhiệm nhà giáo theo thẩm quyền.

Việc trao quyền cho các Sở GD&ĐT trong công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên là một hướng đi cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn như thiếu hụt giáo viên so với định mức của Bộ, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, và tình trạng thừa – thiếu cục bộ giáo viên ở một số môn học trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

>>Từ 2025: Giáo viên sẽ thay đổi về chế độ việc làm, hiệu trưởng được trao thêm quyền

Chính thức từ 22/4, giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè sẽ được nghỉ bù

Chính thức từ 22/4 này, giáo viên nam sẽ được nhận một đãi ngộ đặc biệt

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sau-sap-nhap-so-giao-duc-va-dao-tao-duoc-trao-them-quyen-luc-quan-trong-141117.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sau sáp nhập, Sở Giáo dục và Đào tạo được trao thêm quyền quan trọng
    POWERED BY ONECMS & INTECH