Sau sáp nhập, TP là thương hiệu toàn cầu của Việt Nam sẽ trở thành trung tâm tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước
Đây là nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về kết nối vùng, hạ tầng giao thông và định hướng quy hoạch trong tương lai.
Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng sẽ hợp nhất với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông để thành lập một tỉnh mới, vẫn mang tên gọi là Lâm Đồng. Thành phố Đà Lạt, trung tâm hiện tại của tỉnh Lâm Đồng, sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sau khi quá trình hợp nhất hoàn tất.
Tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có tổng diện tích 24.233km² với dân số đạt 3.324.400 người, trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta sau hợp nhất. Việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực hiện có, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự liên kết vùng và hình thành các trung tâm kinh tế quy mô lớn. Đây là bước đi chiến lược nhằm tăng cường sức cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng trong bối cảnh hiện nay.

Trong thời gian qua, vấn đề lựa chọn địa điểm đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới đã nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân và các cấp quản lý. Sau quá trình xem xét, thành phố Đà Lạt đã được xác định là nơi đảm nhận vai trò này. Việc lựa chọn không chỉ dựa trên yếu tố lịch sử, mà còn phản ánh vai trò ngày càng lớn của thành phố này trong đời sống kinh tế, xã hội của cả vùng.
Từ nhiều năm nay, thành phố Đà Lạt được biết đến là trung tâm du lịch, kinh tế và văn hóa quan trọng của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Đây là địa danh mang tầm vóc quốc tế về du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao cùng khí hậu trong lành, thu hút đông đảo du khách cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Hướng tới tương lai, thành phố Đà Lạt đang được quy hoạch phát triển theo định hướng trở thành trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, du lịch và khoa học kỹ thuật trọng điểm của khu vực Tây Nguyên. Đà Lạt cùng vùng phụ cận được định hướng xây dựng thành trung tâm du lịch chất lượng cao, mang tầm khu vực Đông Nam Á, tạo điểm nhấn quan trọng trong bản đồ phát triển vùng.
Về hạ tầng giao thông, trục Quốc lộ 20 hiện đang kết nối Đà Lạt trực tiếp với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM. Khi hai dự án đường cao tốc Liên Khương - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Tân Phú được hoàn thành, năng lực kết nối giao thông của Đà Lạt sẽ được nâng cao rõ rệt, mở rộng liên kết với các địa phương lân cận và các vùng kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh đó, sân bay Liên Khương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 30km, hiện là Cảng Hàng không Quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Với cấp độ 4E và công suất thiết kế 5 triệu hành khách mỗi năm, sân bay này giữ vai trò đầu mối giao thông chiến lược, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành du lịch và giao thương toàn vùng.
Thành phố thương hiệu toàn cầu duy nhất của Việt Nam
Đà Lạt sở hữu nhiều lợi thế vượt trội về kết nối vùng, hạ tầng giao thông và đã khẳng định được vị thế là một thương hiệu du lịch toàn cầu. Khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm là điểm cộng lớn, góp phần làm nên sức hút của Đà Lạt với vai trò là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao.
Không chỉ là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thành phố Đà Lạt còn nổi bật với thế mạnh về du lịch xanh và nghỉ dưỡng. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với hồ nước, rừng thông và hệ thống kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa là điểm nhấn níu chân du khách trong và ngoài nước. Sự kết hợp giữa nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái đã mở ra cơ hội lớn trong việc phát triển kinh tế theo hướng bền vững, hài hòa giữa khai thác tài nguyên và bảo tồn môi trường sống.

Đà Lạt từ lâu đã được yêu mến và gọi bằng nhiều tên gọi đặc biệt như "Thành phố ngàn hoa", "Thành phố sương mù", "Thành phố ngàn thông" hay "Thành phố tình yêu", phản ánh đúng bản sắc và giá trị biểu tượng của vùng đất này.
Cuối tháng 3/2025, thành phố tiếp tục khẳng định uy tín trên bản đồ khu vực khi giành được hai giải thưởng danh giá: Giải thưởng Festival châu Á 2025 (2025 Asia Festival Awards) ở hạng mục Festival Hoa và Vườn châu Á 2025, cùng Giải thưởng Đỉnh cao châu Á (Asia Pinnacle Awards) cho hạng mục Festival thân thiện với môi trường nhất, do Hiệp hội Festival và sự kiện quốc tế châu Á (IFEA ASIA) bình chọn.
Không dừng lại ở đó, cuối năm 2023, thành phố Đà Lạt còn được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo toàn cầu trong lĩnh vực âm nhạc, một lần nữa khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Đà Lạt trong đời sống văn hóa khu vực và thế giới.
Chi tiết phương án sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương
Sau sáp nhập, tỉnh biên giới miền Nam có dân số gần 3 triệu người, lọt top giàu nhất Việt Nam