Khi được đưa vào sử dụng, các trợ lý ảo tiếng Việt sẽ làm thay đổi căn bản cách sống và làm việc của người Việt Nam.
Sáng 9/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước Quý 3/2023 với các doanh nghiệp, hiệp hội và đối tượng quản lý.
Hội nghị là nơi để các doanh nghiệp báo cáo với lãnh đạo Bộ TT&TT về những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Cũng tại đây, các vấn đề nóng mang tính định hướng, chiến lược đã được lãnh đạo Bộ TT&TT gỡ rối.
Doanh nghiệp Việt cần có ước mơ, khát vọng để phát triển
Báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT, đại diện nhóm phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và trợ lý ảo dùng cho công chức, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel Cyberspace cho biết, đơn vị đã phát triển xong phiên bản trợ lý ảo đầu tiên.
Trợ lý ảo Viettel có khả năng cung cấp câu trả lời về 20.000 văn bản pháp luật còn hiệu lực. Các văn bản pháp luật đã được cập nhật vào trợ lý ảo bao gồm luật, nghị định, thông tư của các bộ, ban, ngành.
Trợ lý ảo cần phải được triển khai trên diện rộng để qua đó thu thập hành vi, phản hồi từ người dùng nhằm nâng cao hiệu suất. Do vậy, Viettel Cyberspace đề xuất Bộ TT&TT có chính sách hỗ trợ để việc triển khai trợ lý ảo công chức được thuận lợi.
Ở mảng điện toán đám mây, đại diện FPT Cloud cho hay, doanh thu của công ty trong năm 2023 dự kiến tăng trưởng 2,5 lần so với năm 2022. Đến năm 2026, FPT Cloud đặt mục tiêu chiếm 30-40% thị trường điện toán đám mây trong nước .
FPT có tham vọng giải bài toán mất cân đối giữa thị phần cloud của doanh nghiệp trong nước với các công ty nước ngoài. Để làm được điều trên, FPT đề xuất Chính phủ có giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp điện toán đám mây trong nước phát triển, tập trung vào việc hỗ trợ tài chính và ra cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hạ tầng cloud trong nước.
Đánh giá cao những nỗ lực phát triển trợ lý ảo của Viettel nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định rằng việc xây dựng trợ lý ảo cho bộ máy công chức hiện mới ở bước khởi đầu. Bộ TT&TT sẽ huy động người dùng thử để góp phần chung tay cùng Viettel xây dựng và nâng cao chất lượng trợ lý ảo, từ đó tăng cường chất lượng làm việc của bộ máy công chức.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, các doanh nghiệp trong nước đang phát triển 4 trợ lý ảo phục vụ người Việt Nam. Đó là trợ lý ảo lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật, trợ lý ảo tòa án để giảm bớt công việc cho các thẩm phán, trợ lý ảo hỗ trợ bộ máy cán bộ công chức và trợ lý ảo hỗ trợ tư pháp cho người dân. Đây là 4 trợ lý ảo sẽ thay đổi căn bản cách sống và làm việc.
Với mảng dịch vụ điện toán đám mây, người đứng đầu Bộ TT&TT khẳng định, cloud chính là tương lai và là hạ tầng trọng yếu của quốc gia. Do vậy, thị trường điện toán đám mây cần được chăm chút để phát triển lành mạnh. Bộ TT&TT sẽ cho ra đời một chiến lược cấp Bộ nhằm định hướng phát triển thị trường cloud trong nước.
Trước đây, mỗi khi ra quyết định, người lãnh đạo phải đắn đo xem có nguồn lực không. Tuy nhiên, khi thay đổi góc nhìn, việc ra quyết định mới sẽ làm xuất hiện nguồn lực mới.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, người lãnh đạo cần có ước mơ, khát vọng, lý tưởng, nếu không doanh nghiệp, tổ chức sẽ không thể phát triển được. Tuy vậy, trong quá trình triển khai, cần phải trở thành một nhà kỹ trị, thực tế, không ngẫu hứng trong các hành động lớn.
Công nghiệp hóa chính là chuyển đổi số lĩnh vực sản xuất, hiện đại hóa chính là chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, môi trường. Điều đó đồng nghĩa các doanh nghiệp công nghệ số phải nhận lấy trách nhiệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây chính là thị trường lớn của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Việt Nam phải đầu tư vào nền tảng số, hạ tầng viễn thông
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Quý 3 của Bộ TT&TT, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ ra nhiều định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực TT&TT.
Dữ liệu sinh ra là do con người sử dụng nền tảng, bởi vậy, nền tảng số chính là nơi nắm giữ dữ liệu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nếu có các nền tảng số Việt Nam, sự giàu có sẽ thuộc về người Việt Nam. Do đó, việc phát triển các nền tảng số Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Chẳng hạn, nếu 100.000 khách sạn và cơ sở lưu trú trong nước sử dụng phần mềm quản lý khách sạn của ezCloud, một doanh nghiệp nền tảng Việt Nam, dữ liệu du lịch của người dùng Việt Nam sẽ được lưu giữ trong nước.
Với sự xuất hiện của AI, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí nên tạo ra giá trị nhiều hơn, tạo ra tri thức nhiều hơn, viết những bài phân tích nhiều hơn, dùng AI để chuyển thông tin thành tri thức nhiều hơn. Bộ TT&TT đã cho ra đời bộ chỉ số về chuyển đổi số báo chí. Cục Báo chí sẽ đánh giá và công bố hàng năm để các cơ quan báo chí dựa vào đó phát triển.
Đối với lĩnh vực viễn thông, thời gian qua, hạ tầng viễn thông Việt Nam được đầu tư rất ít. Vì nhiều lý do, các nhà mạng trong nước bỏ một phần rất nhỏ doanh thu cho việc đầu tư, dù đầu tư hạ tầng viễn thông sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT sẽ ra hướng dẫn về mặt đầu tư cho các nhà mạng viễn thông, đồng thời, giám sát việc thực hiện hàng năm. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư của doanh nghiệp, cơ quan quản lý là Cục Viễn thông phải đưa ra được những tiêu chuẩn cao hơn, nhằm thúc đẩy chất lượng dịch vụ viễn thông.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đã ngấm sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Ở giai đoạn tiếp theo, phải dùng chuyển đổi số để tạo ra giá trị.
Kết luận Hội nghị, người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, các nền tảng mạng xã hội đang làm thay đổi các cán cân quyền lực. Do vậy, người làm quản lý Nhà nước phải nhìn nhận thấu đáo, đa chiều, tìm hiểu cả về mặt lý luận chứ không chỉ về vấn đề quản lý thuần túy.
“Mỗi sự phát triển lại tạo ra những vấn đề mới, dù khó nhưng đây lại là cơ hội phát triển mới. Hãy nhìn nó dưới góc nhìn khác đi và tiếp cận một cách nhẹ nhàng hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng tại Hội nghị, Bộ TT&TT đã lần đầu công bố Bản đồ công nghệ lĩnh vực TT&TT. Bản đồ hiện cung cấp thông tin về 8 lĩnh vực chính của Bộ TT&TT gồm Viễn thông, Bưu chính, Báo chí, Xuất bản, Chính phủ số, An toàn thông tin, Đại học số, Công nghệ số.
Bản đồ gồm tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và một trang đồ họa thể hiện thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đến lĩnh vực. Bốn loại thông tin được cung cấp trong Bản đồ là thời gian, mức độ trưởng thành của công nghệ, mức độ ảnh hưởng của công nghệ và các giai đoạn sự kỳ vọng của công nghệ theo thời gian.