Sếp SCB dùng sổ đỏ giả rút hàng chục tỷ đồng, lừa cả dân lẫn ngân hàng ra sao?
Tự lập hồ sơ vay vốn bằng giấy tờ giả rồi tự tay phê duyệt, nguyên Phó Giám đốc SCB chi nhánh Gia Lai chiếm đoạt hàng tỷ đồng ngân hàng và cả người dân.
Lập hồ sơ giả để “qua mặt” ngân hàng
Ngày 17/7, TAND tỉnh Gia Lai cho biết đang thụ lý vụ án hình sự liên quan đến bị cáo Nguyễn Văn Phương (43 tuổi), nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), chi nhánh Gia Lai. Bị cáo bị truy tố về nhiều tội danh nghiêm trọng sau khi bị phát hiện sử dụng hàng loạt tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng và cá nhân với tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016–2017, Nguyễn Văn Phương lợi dụng vị trí quản lý tại SCB Gia Lai để dựng lên nhiều bộ hồ sơ tín dụng giả. Bằng cách làm giả nội dung chuyển nhượng trên 7 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên các cá nhân khác, bị cáo tiếp tục giả mạo chữ ký và lời chứng của công chứng viên, lập các hợp đồng thế chấp, đơn yêu cầu đăng ký thế chấp và nội dung đăng ký thế chấp nhằm tạo vỏ bọc hợp pháp cho các khoản vay vốn.
Sau khi hoàn tất các tài liệu giả mạo, Phương dùng chính chức vụ Phó Giám đốc để phê duyệt, ký tắt, hợp thức hóa quy trình giải ngân, dù không có tài sản đảm bảo thực tế. Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy trình tín dụng mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho ngân hàng hơn 3 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, Phương tiếp tục sử dụng chiêu thức tương tự để làm giả 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác tại hai xã thuộc tỉnh Gia Lai. Từ đó, bị cáo tạo dựng hồ sơ thế chấp giả nhằm giúp một doanh nghiệp được cấp tín dụng trị giá 5 tỷ đồng. Phương trực tiếp ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn và trình phê duyệt giải ngân, dù hồ sơ không kèm theo bất kỳ tài sản đảm bảo hợp pháp nào.
Đến tháng 6/2023, Nguyễn Văn Phương tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, lần này nhắm vào một cá nhân tên D.Đ.C. Khi ông C. ngỏ ý muốn thuê một khu đất lớn tại huyện Mang Yang (Gia Lai), Phương đã sử dụng thủ đoạn tinh vi: sao chụp trang đầu của một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình và vợ, sau đó ghép với các trang còn lại của một giấy chứng nhận khác thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp H.M.
Bằng cách “chế” ra một giấy chứng nhận mới mang diện tích lên đến hơn 457.000 m², Phương khiến ông C. tin rằng bị cáo là chủ hợp pháp và chuyển trước 600 triệu đồng tiền thuê đất. Sau khi nhận được tiền, Phương lập tức chiếm đoạt.
Tái phạm khi chưa được xóa án tích
Điều đáng chú ý là trước đó, vào năm 2020, Nguyễn Văn Phương từng bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên 15 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên đến thời điểm tháng 6/2023 – khi tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo – bị cáo vẫn chưa được xóa án tích, dẫn đến việc bị áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” và “phạm tội nhiều lần”.
Theo cáo trạng, Nguyễn Văn Phương bị truy tố về 3 tội danh nghiêm trọng gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự), “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” (khoản 4, Điều 206), và “Làm giả, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (điểm a, b, khoản 3, Điều 341).
Những hành vi của bị cáo được đánh giá là có tổ chức, kéo dài, sử dụng thủ đoạn gian dối chuyên nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng và làm suy giảm niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Mặc dù sau khi bị phát hiện, Phương đã vận động gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả: hoàn trả 600 triệu đồng cho ông C., nộp lại 8,09 tỷ đồng cho SCB và thanh toán cả phần lãi trong hạn, song cơ quan tố tụng vẫn xác định cần xử lý nghiêm để răn đe.
Việc áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ không làm thay đổi bản chất nguy hiểm của hành vi, đặc biệt trong bối cảnh Phương là người có hiểu biết sâu về nghiệp vụ ngân hàng nhưng lại cố tình phá vỡ nguyên tắc pháp lý cơ bản vì lợi ích cá nhân.
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Phương sẽ được mở trong thời gian tới.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 41.000 người đã nhận tiền, còn 1.200 tỷ đồng kẹt ở ngân hàng