Từ một chủ quán PC game, sau 20 năm sáng lập VinaGame, ông Lê Hồng Minh giờ đây đã trở thành lãnh đạo của VNG - một công ty 'kỳ lân' công nghệ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo vượt qua thách thức chiến lược cho một Việt Nam chuyển đổi” được tổ chức sáng 30/10 tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Hòa Lạc), ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập VNG chia sẻ câu chuyện ấn tượng về sự thành công của startup tỷ USD này.
Nói về chặng đường doanh nghiệp của mình đã trải qua, ông Minh cho biết: “Mỗi mùa sinh nhật, chúng tôi đều nói với nhau rằng thật may mắn vì chúng ta đã sống sót thêm một năm nữa. Và vì thế, tôi nghĩ rằng thành công chính là khả năng sống sót và kiên định với mục tiêu của mình vì chúng ta đều biết là thị trường công nghệ thay đổi liên tục ra sao”.
Bắt kịp và khai thác các làn sóng công nghệ mới
Theo ông Lê Hồng Minh, để “sống sót”, bài học đầu tiên của VNG là luôn tìm kiếm các công nghệ mới nhằm bắt kịp và cố gắng khai thác.
“Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2004, khi tôi là chủ 1 quán PC café năm 2003, chúng tôi nhận thấy tất cả các khách hàng trong quán đều chơi cùng một tựa game MU Online. Lúc đó chúng tôi bắt đầu thành lập công ty”.
Nói về sự may mắn của mình, ông Minh cho biết: “Chúng tôi cảm thấy mình đã rất may mắn vì đó là những năm mà Internet trên PC bùng nổ. Rõ ràng là, việc theo kịp làn sóng công nghệ ngay khi nó mới bắt đầu là vô cùng quan trọng”.
“May mắn thứ hai là làn sóng điện thoại di động. Khi Apple ra mắt iPhone năm 2008, giá 1 chiếc iPhone vẫn khá cao và khó tiếp cận với người dân Việt. Vài năm sau đó, gần như tất cả mọi người ở Việt Nam đều dùng điện thoại thông minh”, CEO VNG nói.
Nhận ra đây là làn sóng mới, năm 2012, VNG đã chuyển toàn bộ nguồn lực công ty sang phát triển các ứng dụng di động, bao gồm Zalo và các ứng dụng khác.
Dù vẫn đạt được thành công với các sản phẩm PC, VNG không còn đặt ra bất kì KPI (mục tiêu) nào cho các sản phẩm PC nữa. Tất cả mọi thứ đều xoay quanh điện thoại thông minh. Sự chuyển hướng này là kịp thời vì sau đó, mọi thứ liên quan đến PC đều giảm dần.
Theo ông Lê Hồng Minh, hiện nay làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) rất rõ ràng. Tuy nhiên, VNG không thể từ bỏ mọi thứ để làm AI như trước đây bởi những gánh nặng từ di sản của quá khứ. Đây chính là cơ hội cho các startup Việt Nam tiến vào làn sóng này và khởi nghiệp từ đầu.
Startup cần chú ý đến cách đặt mục tiêu
Chia sẻ thêm, ông Lê Hồng Minh cho rằng, bài học thứ hai sau nhiều năm lãnh đạo công ty là cách doanh nghiệp này đặt mục tiêu.
“Chúng tôi thường đặt những mục tiêu rất đơn giản. Nếu phức tạp, mọi người sẽ khó nhận ra đâu mới là điều quan trọng và làm thế nào để tập trung nguồn lực cho những việc đó. Là một công ty công nghệ, chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm thực sự có giá trị cho người dùng”, CEO VNG nói.
Đầu những năm 2010, VNG từng đặt mục tiêu sẽ có 41 triệu người dùng vào năm 2014. Mục tiêu này sau đó đã đạt được vào năm 2016. Còn hiện nay, VNG đang hướng đến một mục tiêu mới, “2332” - tức là sẽ có 320 triệu người dùng, nhiều hơn dân số Việt Nam. Đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp này phải đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Trên thực tế, VNG hiện có 150 triệu người dùng ở nhiều nơi trên thế giới. “Chúng tôi mới đi được nửa đường, sẽ còn một quãng đường rất dài. Tôi cảm thấy những thước đo đơn giản giúp chúng tôi tiếp tục thử thách bản thân”, ông Minh chia sẻ.
Chấp nhận rủi ro mới làm được startup
Tại diễn đàn đổi mới sáng tạo, chia sẻ về câu chuyện của mình, sếp VNG cho biết, bài học thứ 3 là startup phải biết chấp nhận rủi ro.
“Trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, chúng ta không thể có những kết quả tuyệt vời nếu không dám chấp nhận rủi ro. Và trong phần lớn những việc chúng ta làm, cần thật sự cân nhắc rủi ro là gì, liệu chúng ta có chấp nhận nó hay không. Chúng ta cần suy nghĩ mình sẽ làm gì với những điều khiến chúng ta sợ hãi”, CEO VNG chiêm nghiệm.
Quay lại thời điểm doanh nghiệp này mang game Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam, theo ông Minh, giá trị hợp đồng thời điểm đó là 160.000 USD (năm 2004). Trong khi, vốn của VNG là khoảng 60.000 USD.
Nói về độ liều của mình, theo nhà sáng lập VNG: “Tôi đã thương lượng đúng một điều khoản, đó là khoản đặt cọc đầu tiên, thường là 50% giá trị hợp đồng (80.000 USD) xuống còn 50.000 USD. Vâng, với công ty mới 1 tháng tuổi, chúng tôi đã ký một hợp đồng và còn lại đúng 10.000 USD trong ngân hàng”.
Giờ đây, khi được nhiều người hỏi về kế hoạch IPO trên thị trường quốc tế, theo ông Lê Hồng Minh, điều này sẽ đi cùng với những rủi ro đáng kể như nguy cơ thất bại, không thể đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Tuy nhiên, đó là điều mà VNG tin tưởng.
“Nếu chúng tôi không làm, sẽ không thể đưa công ty phát triển một cách thực sự”, sếp VNG chia sẻ với các startup tham gia diễn đàn.