Shark Tank Việt Nam có luật mới

04-07-2022 10:05|Sơn Trường

Bên cạnh "vé vàng" (golden ticket), Shark Tank Việt Nam mùa 5 còn có thêm luật "song đấu" (dual pitch) để tăng tính hấp dẫn.

Tập 5 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ” mùa 5 mở màn với màn song đấu (dual pitch) giữa 2 startup trong lĩnh vực giáo dục trẻ em là Beekids và Bunny Boo.

Dual pitch là một luật chơi mới trong mùa 5 khi 2 startup trong cùng lĩnh vực sẽ cạnh tranh trực tiếp trên sóng truyền hình. Startup được các Shark lựa chọn sẽ đi tiếp vào vòng trình bày kêu gọi vốn và startup còn lại phải ra về nhưng sẽ có thêm một “vé” tham dự trực tiếp Shark Tank mùa tiếp theo.

Màn song đầu lần này diễn ra giữa nền tảng ứng dụng học tập tư duy Beekids với mục tiêu kêu gọi 3 tỷ cho 10% cổ phần và đồ chơi giáo dục thông minh Bunny Boo với 1,5 tỷ cho 20% cổ phần.

Beekids là nền tảng gamification (trò chơi hoá) và chuyển đổi số các chương trình phát triển tư duy cho trẻ. Trong khi đó, Bunny Boo là một startup trò chơi giáo dục theo phong cách Montessori.

Sau khi nghe phần trình bày, mặc dù cho rằng Beekids có khả năng tăng quy mô nhanh hơn do có yếu tố công nghệ, 3/5 Shark (giấu tên) vẫn lựa chọn Bunny Boo vào vòng gọi vốn.

Ở phần trình bày gọi vốn của Bunny Boo, Shark Liên lo ngại về việc các bộ phận trong sản phẩm của Bunny Boo có thể làm tổn hại đến trẻ em, ví dụ như đứt tay hay nuốt các bộ phận nhỏ. Shark Bình cũng bày tỏ lo lắng tương tự.

Về điều này, chị Trần Thanh Thảo, người sáng lập và CEO của Bunny Boo, nói rằng Bunny Boo có các quy trình nội bộ để thực hiện các khâu như mài nhám các cạnh sắc trên sàn phẩm và đảm bảo các bộ phận được gắn chặt chẽ vào sản phẩm để hạn chế các rủi ro như nói trên.

Shark Hùng Anh quan tâm đến kênh phân phối và bức tranh tài chính của Bunny Boo. Hiện tại, Bunny Boo chủ yếu phân phối qua hệ thống các cửa hàng mẹ và bé cùng với đó là các nhà sách.

Startup này đã đạt doanh thu lần lượt trong 3 tháng đầu năm nay là 100 triệu, 200 triệu và 300 triệu. Bunny Boo lên kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường nước ngoài lớn sau 1 năm chinh phục thị trường nội địa.

Về mục tiêu này, Shark Hưng tỏ ra hoài nghi và cho rằng việc xuất khẩu sang các thị trường lớn là khá khó do tiêu chuẩn cao cùng với đó là việc thị trường đã có nhiều sản phẩm tương tự và đa dạng. Shark Hưng khẳng định chìa khoá để Bunny Boo thành công là khả năng phân phối. Dù vậy, qua phần trình bày, Shark Hưng nhận thấy Bunny Boo mới chỉ đang tập trung vào kênh phân phối truyền thống với chiết khẩu rất cao.

Chị Thảo giải thích do Bunny Boo mới chỉ có mặt trên thị trường trong một thời gian ngắn nên chưa thể thâm nhập được vào các kênh phân phối MT (Modern Trade) do đòi hỏi vốn lớn.

Trong khi đó, các kênh phân phối truyền thống lại có thể thu hồi doanh thu nhanh với quy mô doanh thu không hề nhỏ. Chị Thảo nói rằng khi được các Shark đầu tư, Bunny Boo sẽ đưa kênh GT vào mục tiêu của startup.

Chị Thảo tiết lộ thêm rằng Bunny Boo hiện tại đã có một bộ sản phẩm có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính nhất là Mỹ. Với lợi thế nằm ở giá, CEO Bunny Boo tin rằng Bunny Boo có thể thành công ở thị trường nước ngoài.

Bunny Boo cho biết hiện tại startup này mới chỉ sản xuất được từ 13 đến 15 bảng sản phẩm. Nghe đến đây, Shark Bình nhận định chi phí sản xuất của sản phầm rất cao do vẫn đòi hỏi nhiều khâu thủ công. Bunny Boo cho biết chi phí sản xuất của startup này đang là 35%.

Chị Thảo cam kết lợi nhuận năm của Bunny Boo từ 25% đến 30% và sau khoảng 3 năm đầu tư, các Shark đã có thể thu hồi được vốn.

Shark Phú quyết định không đầu tư vào Bunny Boo do startup này còn mới và khả năng tăng quy mô khó. Tương tự, Shark Bình cũng không đầu tư do ông quan tâm đến các sản phẩm có khả năng tăng quy mô cao. Trong khi đó, Shark Bình cảm thấy bán hàng trực tuyến cũng không phải là năng lực cốt lõi có thể giúp doanh thu của Bunny Boo tăng trưởng đột biến.

Shark Hùng Anh đưa ra đề nghị đầu tư 1,5 tỷ đồng cho 50% cổ phần. Shark Hùng Anh cho biết với 50% cổ phần, ông sẽ hỗ trợ Bunny Boo nhiều ở công nghệ bán hàng và thương mại điện tử.

Shark Hưng trong khi đó đầu tư 1,5 tỷ cho 45% cổ phần với yêu cầu là Bunny Boo có kế hoạch sử dụng vốn chi tiết và giải ngân theo nhu cầu sử dụng vốn thực tế. Người cùng cuối đưa ra đề nghị đầu tư là Shark Liên với 1,5 tỷ đồng cho 36% cổ phần.

Shark Liên khẳng định có thể giúp Bunny Boo tăng tính an toàn của sản phẩm đồng thời sẽ bảo hiểm cho các sản phẩm bán ra trên thị trường.

Sau khi nghe các Shark đưa ra đề nghị đầu tư, Shark Hùng Anh bất ngờ điều chỉnh lại đề nghị của mình xuống còn 1,5 tỷ đồng cho 35% cổ phần. Shark Hưng cũng có thêm một lựa chọn khác là ông cùng đầu tư với Shark Liên với số tiền tương tự nhưng đổi lấy 40% cổ phần.

Chị Thảo đề nghị Shark Hưng và Shark Liên cùng đầu tư với 30% cổ phần song Shark Hưng nói rằng ông cần tối thiểu quyền phủ quyết của các cổ đông. Shark Liên đề xuất điều chỉnh tỷ lệ sở hữu xuống 36%. Đến đây, các Shark và Bunny Boo tìm được điểm đồng thuận.

20 năm xa xứ, 'cá mập' Lê Hùng Anh rót 6.850 tỷ đồng vào dự án khu kinh tế mở phát triển bậc nhất quê nhà

Shark Bình 'săn' startup thương mại điện tử

Chỉ tốt nghiệp THPT, nữ CEO khởi nghiệp doanh thu hàng chục tỷ, gây bão Shark Tank

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/shark-tank-viet-nam-co-luat-moi-138670.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Shark Tank Việt Nam có luật mới
POWERED BY ONECMS & INTECH