Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng Top 10 Website có lượng truy cập nhiều nhất với lượt truy cập vào tháng 8 lên đến 108,6 triệu lượt.
Theo báo cáo của Sea Group công bố mới đây, trong quý 2/2022, mức lỗ trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) của Shopee là 648 triệu USD, tăng so với mức lỗ 580 triệu USD vào cùng kỳ năm ngoái. Mức lỗ trên mỗi đơn đặt hàng đối với Shopee là 0,33 USD, cải thiện so với mức lỗ 0,41 USD vào cùng kỳ năm 2021. Đi kèm với con số "sụp đổ" này là quyết định Shopee sa thải hàng nghìn nhân sự tại thị trường Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, Shopee chưa có động thái gì liên quan. Tuy nhiên, công bố gây chấn động của Sea khiến không ít người trong lĩnh vực thương mại điện tử đang ngồi trên đống lửa. Liệu, làn sóng sa thải "khủng" có gọi tên mình?
Theo dữ liệu Reputa mới công bố trong bản tin ngành Thương mại điện tử hồi tháng 8/2022, ở Việt Nam, 3 đơn vị là Shopee, Lazada và Thế Giới Di Động tiếp tục giữ ba vị trí đầu Bảng xếp hạng các công ty thương mại điện tử phổ biến nhất trong tháng.
Trong tháng 8/2022, Shopee tiếp tục giữ vị trí đầu bảng xếp hạng với Total Score cao gấp 2,8 lần so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là Lazada. Shopee nổi bật với các chương trình Minigame “Đẩy tương tác - Trúng voucher khủng” (hơn 6,6 triệu lượt tương tác) và Minigame “Tương tác giải ngố - Voucher đổ bộ” (hơn 4,2 triệu lượt tương tác).
Trong khi đó, đơn vị đứng thứ hai là Lazada nổi bật với chương trình Minigame “Thời tới, bình luận bùng cháy là có Iphone 11” (hơn 4,1 triệu lượt tương tác) và Minigame “Bình luận hăng - Trúng quà cực khủng” (hơn 2 triệu lượt tương tác).
Trong top 10 sàn TMĐT phổ biến nhất tháng, ngoài Shopee, Lazada và Thế Giới Di Động còn có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành như Điện Máy Xanh, Tiki, FPT Shop, Nguyễn Kim, Sendo, Meta.vn và Bách Hóa Xanh.
Đáng chú ý, sàn TMĐT Sendo đã quay trở lại bảng xếp hạng trong tháng 8 sau khi tụt khỏi top 10 vào tháng 7. Trái lại, một đơn vị từng đứng ở vị trí thứ 10 trong tháng 7 là Media Mart đã rời khỏi top 10 vào tháng 8.
Theo Reputa, trong tháng 8/2022, đa số các công ty TMĐT đều tăng điểm mới mức tăng lớn nhất thuộc về Lazada và Sendo. Trong khi đó, mặc dù tiếp tục dẫn đầu về mức độ phổ biến trên mạng xã hội, song Shopee lại chính là công ty TMĐT chứng kiến mức giảm điểm lớn nhất trong tháng qua. Ngoài ra, còn có hai đơn vị khác cũng giảm điểm trong tháng là FPT Shope và Bách Hóa Xanh.
Trong thời gian gần đây, cả Shopee lẫn công ty mẹ là siêu ứng dụng Sea có trụ sở tại Singapore đã chứng kiến hàng loạt biến động. Gần đây nhất, nguồn tin từ hãng tin Reuters cho biết Shopee đã nói với các nhân viên rằng họ sẽ đóng cửa các hoạt động địa phương ở Chile, Colombia và Mexico cũng như rời hoàn toàn khỏi Argentina.
Cụ thể, trong một email nội bộ được Reuters thu thập được có nội dung đề cập tới vấn đề cắt giảm nhân sự và hoạt động kinh doanh ở Mexico, Colombia, Chile trong khi dừng hoạt động hoàn toàn tại Argentina. Shopee sau đó cũng đã xác nhận trong một tuyên bố với Reuters rằng họ sẽ "tập trung vào một mô hình xuyên biên giới ở Mexico, Colombia và Chile cũng như đóng cửa hoàn toàn ở Argentina".
Ngoài ra, Sea Group cũng vừa thông báo sẽ sa thải 3% nhân sự tại Shoppe Indonesia nhằm giảm các khoản lỗ ngày càng "phình to". Tuy nhiên, Sea cũng dự tính sẽ đưa ra các gói đều bù và hỗ trợ nếu cần cho các nhân sự bị ảnh hưởng.
Ông chủ Shopee đang thua lỗ nặng nề và phải sa thải hàng nghìn nhân viên ở Shopee Indonesia: "Những thay đổi này là một phần trong nỗ lực liên tục của chúng tôi nhằm tối ưu hiệu quả vận hành với mục tiêu đạt đến điểm “tự cung tự cấp” ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh", Forrest Li, Giám đốc điều hành Sea cho biết song từ chối nói sâu thêm về vấn đề này.
Trước đó, Giám đốc điều hành của Tencent Mark Ren đã rời khỏi Ban giám đốc của Sea Group, công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee. Gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã cấp một ủy quyền không thể hủy ngang cho Ban giám đốc của Sea Group để bỏ phiếu về các vấn đề liên quan tới cổ đông. Động thái này được coi như những bước tiếp theo của việc rút khỏi một trong những công ty lớn nhất Đông Nam Á của gã khổng lồ Tencent.
Trái lại, Alibaba, đối thủ lớn của Tencent và cũng là chủ sở hữu Lazada, đối thủ chính của Shopee đã đầu tư tổng cộng khoảng 912,5 triệu USD vào sàn thương mại điện tử hàng đầu khu vực Đông Nam Á này, Asia Nikkei dẫn tin từ DealStreetAsia.
Con số này được tổng hợp sau đợt rót vốn thêm 378,25 triệu USD vào tháng 5, nâng tổng số tiền đầu tư của Alibaba vào công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore lên 1,3 tỷ USD kể từ đầu năm 2022.
Shopee dẫn đầu về website có lượng truy cập nhiều nhất tháng 8
Reputa cũng công bố 10 website TMĐT hàng đầu theo các chỉ số đo lường. Theo đó, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng Top 10 Website có lượng truy cập nhiều nhất với lượt truy cập vào tháng 8 lên đến 108,6 triệu lượt, gấp 1,7 lần Thế giới di động với 63 triệu lượt. Đứng thứ 3 là FPT Shop với 37,9 triệu lượt truy cập.
Đứng ở các vị trí còn lại trong top 10 lần lượt là Lazada VN (26,6 triệu lượt), Điện Máy Xanh (25,2 triệu lượt), Tiki (16,2 triệu lượt), Bách Hóa Xanh (15,2 triệu lượt), CellphoneS (14,3 triệu lượt), Hoàng Hà Mobile (11 triệu lượt) và Điện Máy Chợ Lớn (5,5 triệu lượt)
Trong khi đó, ở danh sách Top 10 Website có lượng trang ghé thăm trung bình cao nhất của tháng 8, Shein tiếp tục chiếm giữ vị trí đầu tiên, kế đến là Hoang Phuc International và Shopee VN. Bên cạnh đó, FPT Shop là website có tỷ lệ thoát trang thấp nhất trong tháng.
Tháng 8 vừa qua, top ngành hàng được nhắc tới nhiều nhất trên Facebook là Làm đẹp - Sức khỏe với hơn 4,2 triệu tin bài. Đứng thứ hai là Hàng tiêu dùng - Thực phẩm với hơn 3,1 triệu bài. Bên cạnh đó, mặt hàng được nhắc đến nhiều nhất là Tủ lạnh, kế đến là Bánh tráng, Máy giặt, Xe máy, Trà sữa, Laptop,... (dựa trên kết quả phân tích dữ liệu bằng Social Listening của Reputa).
Theo báo cáo từ Statista, Việt Nam dự kiến sẽ sở hữu thị trường TMĐT lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á trước năm 2025, chỉ sau Indonesia. Việt Nam thậm chí đang có mức quy mô mua hàng trung bình (ABS) là 26 USD, cao hơn hai nước đông dân là Thái Lan (25 USD) và Indonesia (18 USD).
Hạn chế thua lỗ, Shopee sa thải hàng nghìn nhân sự tại thị trường Đông Nam Á
Viettel Post sắp ra mắt sàn thương mại điện tử, người Việt có thể mua hàng quốc tế 'siêu tiện lợi'
Từng được định giá 13.800 tỷ đồng, hệ sinh thái Tiki giờ có những gì?