Thật khó để áp các câu chuyện phân tích vĩ mô, sức khỏe tài chính, triển vọng kinh doanh vào những mã cổ phiếu mid/small đã tăng hàng trăm % trong vài tháng qua. Chính vì thế, Fomo đang dẫn lối nhiều nhà đầu tư đến cạm bẫy "đu đỉnh".
Nhiều cổ phiếu mid/smallcap bay cao
Dòng tiền chứng khoán đang lên những ngày cuối tháng 5 - đầu tháng 6/2023 trong bối cảnh lượng tài khoản mở mới bất ngờ gia tăng kết hợp với động thái giảm lãi suất lần 3 của Ngân hàng Nhà nước. Đây là điều dễ thấy thông qua mức thanh khoản từ 18.000 - 22.000 tỷ đồng/phiên. Thậm chí phiên 8/6, giá tri giao dịch trên cả 3 sàn đạt 27.300 tỷ đồng - cao nhất sau khoảng 1 năm.
Diễn biến chỉ số VN-Index 3 tháng gần đây |
Quan sát từ đầu tháng 5, dòng tiền gần như không cố định ở bất kỳ nhóm cổ phiếu nào. Các nhóm như dầu khí - mía đường - than - thép - đầu tư công - chứng khoán - ngân hàng - bất động sản lần lượt được dòng tiền ghé qua.
Tuy nhiên, có một nhóm cổ phiếu vẫn được ưu ái trong khoảng thời gian này; trở thành tâm điểm của dòng tiền đầu cơ và tạo lập - nhóm cổ phiếu mid/smallcap.
Kết phiên 9/6/2023, các chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh, VN-Index tăng trở lại hơn 6 điểm và giữ được mốc 1.100 điểm sau hơn 4 tháng lênh đênh vùng 1.000 - 1.090.
Đáng nói, thị trường chứng khoán có lần thứ 3 (sau 3 tuần) ghi nhận số cổ phiếu tăng trần chạm mức 100 mã trong đó riêng sàn HNX và UPCoM có tới 92 mã. Điều này cho thấy sóng đầu cơ ở nhóm cổ phiếu penny vẫn chưa hề giảm nhiệt. Trong khi các nhóm lớn chưa lấy lại phong độ, dòng tiền chuyển qua các mã mid/smallcap để tìm kiếm cơ hội sinh lời.
Nhìn vào mức tăng 160% của cổ phiếu VC7 từ đầu tháng 5, pha bứt tốc 160% của cổ phiếu QCG (trong đó có chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp từ 26/5) hay mức tăng 83% của CET từ đầu tháng 6,... đủ để thấy sức hấp dẫn của kênh chứng khoán thời điểm hiện tại.
Diễn biến giá cổ phiếu QCG (đỏ), CET (tím) và VC7 (vàng) thời gian gần đây |
Vẫn có nhiều mã tốt
Trên thị trường, hàng chục thậm chí cả trăm mã chứng khoán đã có nhịp tăng ngắn hạn trên 30%. Tuy nhiên, câu chuyện cứ mua là thắng của năm 2021 đã không còn xuất hiện trong bức tranh chứng trường hiện tại.
Chọn "hàng" thế nào, giữ "hàng" ra sao, cách nào để bảo vệ thành quả hay mua cổ phiếu mid/smallcap thời điểm này còn thích hợp,... đang là những câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Trước hết, cần hiểu cổ phiếu midcap và smallcap là gì?
Cụ thể, cổ phiếu midcap là những cổ phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp có vốn hoá từ 1.000 - 10.000 tỷ đồng. Đây được xem là nhóm có mức giá vừa phải và tiềm năng phát triển cao. Trong khi đó, smallcaps là những cổ phiếu có vốn hóa thấp dưới 1.000 tỷ đồng.
Theo bà Đỗ Thu Hà - Chuyên gia Tư vấn đầu tư tại CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhịp vừa qua khi thị trường phục hồi tích cực từ vùng 1.04x lên 1.11x, nhóm mid/smallcap đã tăng rất mạnh; nhiều mã tăng 30 - 50% thậm chí x2 - x3 lần.
Cần nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp ở các nhóm này không hoàn toàn đều kinh doanh yếu kém. Thậm chí ở nhóm midcap, rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành có kết quả kinh doanh tốt và tiềm năng trong đó dòng bất động sản có TCH, DXG, CEO, CII, IDC, SZC, LHG,… Nhóm xây dựng hạ tầng có LCG, HHV, FCN, CTD,… Nhóm thép có HSG, NKG,… hay nhựa có BMP, NTP,...
Bà Đỗ Thu Hà - Chuyên gia Tư vấn đầu tư tại CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) |
Với nhóm smallcap, nhiều doanh nghiệp cũng có vị thế tốt như CST, TVD (than), AMV (y tế) hay CCL (bất động sản). Chính vì vậy, nói nhóm cổ phiếu mid/smallcap là cổ phiếu đầu cơ là không hoàn toàn chính xác.
Chọn hàng - giữ hàng thế nào?
Tới đây, một số khoản tiền gửi 6 tháng trong hệ thống ngân hàng sẽ đáo hạn và có thể được rút ra khi lãi suất huy động giảm. Điều này có thể mở ra cơ hội cho thị trường chứng khoán - nhất là các cổ phiếu đang được định giá rẻ dưới giá trị thật.
Thời gian tới, nhiều cổ phiếu smallcap sẽ trở thành midcap; nhiều mã midcap sẽ hóa bluechip nếu VN-Index tiếp tục cải thiện điểm số. Do vậy việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu theo phân loại vốn hóa chủ yếu dựa theo khẩu vị, kinh nghiệm,... của mỗi nhà đầu tư.
Trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường liên tục dịch chuyển giữa các nhóm/các ngành, việc hàng loạt cổ phiếu vốn hóa trung và nhỏ tăng mạnh hơn, nhóm vốn hóa lớn tăng chậm thậm chí đứng giá đã và đang thể hiện sự thích ứng của nhà đầu tư trong việc nắm bắt cơ hội sinh lời.
Tuy nhiên bà Hà cho rằng, việc chạy theo những cổ phiếu đang có game tăng giá (có thể là tin đồn), chạy theo dòng tiền hay tâm lý đám đông (Fomo) là điều nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý. Hành cần cần cân nhắc lúc này là hạn chế mua đuổi các cổ phiếu đã tăng 30 - 50% thậm chí 100 - 200% để tránh kẹt hàng hay rủi ro điều chỉnh.
Thông qua chỉ báo MCDX, nhiều cổ phiếu đã ghi nhận dòng tiền tạo lập tăng trở lại trong hơn 1 tháng qua. Vì điều này, nhà đầu tư được khuyến nghị nên chọn các doanh nghiệp tốt và có dấu hiệu dòng tiền lớn chỉ mới bắt đầu nhập cuộc hoặc cổ phiếu có nhịp điều chỉnh và cho điểm mua an toàn để tránh các rủi ro.
Ngoài ra, câu chuyện dùng đòn bẩy margin cũng nên được cân nhắc - đặc biệt tại các cổ phiếu penny đã tăng cao và có nền tảng cơ bản kém.
Vị chuyên gia KBSV nhấn mạnh: "Trong giai đoạn này, các nhóm cổ phiếu sẽ luân phiên tăng giá; nhà đầu tư không nên chạy theo tâm lý đám đông và sợ bỏ lỡ cơ hội. Cần kiên nhẫn với chiến lược của mình hoặc chọn mua cổ phiếu đang tích lũy tốt trên đường giá MA20".
Cổ phiếu đáng chú ý ngày 6/12: NLG, HDG, FPT
Cổ phiếu công ty thép tăng gần 50% sau 6 phiên nhờ tin Nhà nước thoái vốn ở mức giá cao ngất ngưởng