Siết trách nhiệm doanh nghiệp vận tải hành khách trong quản lý, sử dụng lái xe
Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Luật Đường bộ năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã đưa ra thêm một số quy định để tăng trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải hành khách trong quản lý, sử dụng lái xe.
Trong đó, siết chặt việc quản lý đối với người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe hoặc không đảm bảo điều kiện điều khiển phương tiện. Doanh nghiệp (DN) vận tải cũng không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách điều hành phương tiện và lái xe, hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách.
Bổ sung quy định
Công an TP Đà Nẵng thông tin, vào 17h35 ngày 9/11 vừa qua, trong quá trình tuần tra kiểm soát tại giao lộ Cách mạng tháng Tám - Lê Thanh Nghị, Tổ công tác thuộc Phòng CSGT đã phát hiện lái xe khách BKS 43B - 01544 có biểu hiện nghi vấn, nét mặt bơ phờ, ánh nhìn ngờ nghệch và hành vi vô cùng kỳ lạ khi liên tục lắc lư trong vô thức .
Thời điểm bị CSGT phát hiện, kiểm tra, lái xe Đ. Q. T (trú phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) không xuất trình được giấy phép lái xe, kết quả test nhanh dương tính với ma túy.
Trước đó, ngày 2/11, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện lái xe N.V.H (SN 1974, thường trú tại KP3, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) điều khiển ô tô khách BKS 60F – 008.49, chở 28 học sinh đang dừng trước cổng Trường THCS Bình Đa. Lực lượng chức năng kiểm tra hành chính, phát hiện lái xe H. không có giấy phép lái xe.
Đây là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao nếu DN vận tải buông lỏng quản lý và lực lượng chức năng không phát hiện, xử lý kịp thời.
Kế thừa các quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tại Điều 58, Luật Đường bộ năm 2024 quy định, DN vận tải không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hành khách.
Điều 57 Luật Đường bộ 2024 cũng quy định, DN vận tải hành khách bằng xe ô tô có trách nhiệm thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách; Tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và sử dụng người lái xe bảo đảm đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật;
Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hậu quả mà người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trái quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra theo quy định của pháp luật….
Đối với trường hợp tài xế N.V.H, chở 28 học sinh không có giấy phép lái xe, Công an TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản tạm giữ phương tiện 7 ngày và xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe này 11 triệu đồng. Chủ xe – Hợp tác xã dịch vụ vận tải Tân Lộc Phát (phường Bửu Long, TP Biên Hòa) bị phạt 10 triệu đồng với lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông. Trường hợp tài xế xe khách Đ. Q. T. dương tính với ma túy, không cung cấp được giấy phép lái xe đang được Công an TP Đà Nẵng tiếp tục làm rõ.
Truy trách nhiệm
Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan, nếu như Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định một trong những điều kiện hoạt động của DN vận tải hành khách là người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của DN, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải thì tại Luật Đường bộ 2024 quy định này được đưa vào nghĩa vụ của DN vận tải.
Việc tăng trách nhiệm của DN vận tải trong việc quản lý, sử dụng lái xe nhằm đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đây là quy định cần thiết để các DN vận tải, người điều hành hoạt động vận tải của DN có trách nhiệm, ý thức hơn khi quản lý lái xe, người lao động” - luật sư Phạm Thanh Hải
Việc chỉnh sửa lại với cách diễn đạt mạnh mẽ hơn, nội dung chi tiết hơn, thể hiện rõ các yêu cầu hoạt động trong công tác điều hành vận tải như: không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hành khách… sẽ giúp siết chặt quản lý và truy trách nhiệm DN khi để xảy ra sai phạm.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để lái xe, người lao động có ý thức và chủ động tuân thủ quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho phương tiện, hành khách và người tham gia giao thông khác, các DN cần thường xuyên kiểm tra, giám sát và đào tạo và kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ, sức khoẻ cho lái xe. Đồng thời có quy chế, điều khoản ràng buộc trong hợp đồng lao động với lái xe về trách nhiệm bồi thường khi để xảy ra vụ việc gây hậu quả, thiệt hại nhằm tăng trách nhiệm công việc.
Liên quan đến việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới, hồi tháng 7/2024, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg, yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trật tự an toàn giao thông bảo đảm thống nhất với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và Luật Đường bộ năm 2024.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức xử phạt phù hợp với mức độ nguy hiểm của một số hành vi có nguy cơ cao là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông hoặc nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đối với hạ tầng giao thông; Nghiên cứu, đề xuất hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn đối với đơn vị sử dụng lái xe dương tính với chất ma túy và các chất cấm theo quy định của pháp luật.
Lái xe dương tính với ma túy khi bị phát hiện ngoài việc bị phạt hành chính còn bị thu hồi giấy phép lái xe và phải sát hạch lại để được cấp giấy phép lái xe khi có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh đối với DN vận tải để xảy ra tình trạng tái phạm vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Theo luật sư Phạm Thanh Hải – Văn phòng Luật sư Hải Thanh, quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, nếu tài xế của DN vận tải gây tai nạn, DN phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước, sau đó, có quyền yêu cầu tài xế hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Về bồi thường thiệt hại trong quá trình vận tải, DN vận tải hành khách có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện gây ra trong quá trình vận tải theo quy định của pháp luật.
>> Đề xuất doanh nghiệp vận tải hành khách phải tổ chức khám sức khỏe lái xe
Cần lên án mạnh mẽ hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn
Tai nạn giao thông do xe máy chiếm đến 60%, giảm thiểu bằng cách nào?