Đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khi nói về một trong số những thách thức của thị trường bất động sản hậu COVID-19.
Từ quý IV/2021 đến nay, thị trường bất động sản đã có nhiều khởi sắc nhờ sự gỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách, hoạt động sản xuất được kích hoạt trở lại… Điểm sáng nhất là tồn kho bất động sản gần như không có, dự án ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.
Theo tổng hợp số liệu từ các địa phương có báo cáo, lượng giao dịch bất động sản trong quý này tăng mạnh so với quý trước đó. Cụ thể, giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) trong quý tăng nhẹ 3 - 5%. Cá biệt có những vùng tăng 100%, 70% đặc biệt là đất nền, khu vực giáp ranh thành phố lớn giá tăng 15 - 20%.
Nhận định về thị trường bất động sản hậu COVID-19, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng thị trường sẽ gặp một số thách thức sau:
Đầu tiên là vấn đề về pháp lý. Theo ông Khởi, từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách, nhiều Luật mới để tháo gỡ khó khăn với bất động sản như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, hàng loạt Nghị định. Tuy nhiên, các quy định pháp lý này lại ra đời đúng thời điểm dịch bệnh nên chưa thể tác động đến thực tiễn như mong đợi.
Tiếp sau đó là vấn đề nguồn cung trên thị trường. Hiện nay nguồn cung ngày càng khan hiếm, thiếu trầm trọng ở tấc cả các phân khúc.
Thứ ba là vốn. Vốn là một trong những yếu tố không thể xem thường trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Thị trường vốn gắn chặt với bất động sản. Bên cạnh những doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực lớn thì nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng nhưng gần đây đã có một số quy định siết tín dụng vào bất động sản. Ông Khởi đặc biệt nhấn mạnh: "Siết vốn thì thị trường bất động sản sẽ không phát triển được. Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất sửa Nghị định 153 theo nguyên tắc không phải doanh nghiệp bất động sản nào ta cũng cấp vốn như nhau mà nên ưu tiên vốn cho dự án nào hạn chế dự án nào”.
Thứ tư, các địa phương buộc phải tăng cường sự quản lý, hạn chế méo mó thị trường, nhất là phải kiểm soát chặt chia lô bán nền và đấu giá đất, bởi đây là 2 vấn đề có tác động ghê gớm đến thị trường, chỉ cần một dự án tăng giá hàng loạt dự án tăng giá theo.
Thách thức cuối cùng là tình trạng cấu kết làm giá thị trường để ăn chênh lệch giữa các sàn giao dịch với chủ đầu tư hay môi giới.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, cần nhiều giải pháp tổng hợp không chỉ ở góc độ Bộ Xây dựng mà Chính phủ, các bộ ngành cùng tham gia nếu muốn thị trường bất động sản phát triển.