Siêu cường châu Á công bố 'siêu' dự án 26 tỷ USD dưới lòng đất, vận chuyển hàng hóa hoàn toàn tự động, thay thế 25.000 tài xế
Chính phủ của quốc gia này hy vọng dự án băng chuyền tự động sẽ đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả và liên tục.
Dân số Nhật Bản đang suy giảm và già hóa là một trong những nguyên do khiến nước này dự báo sẽ thiếu hụt 36% số lượng tài xế xe tải vào năm 2030. Với việc nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng, ngành hậu cần vận tải của “đất nước mặt trời mọc” đặt kỳ vọng lớn vào những hệ thống băng tải hoàn toàn không người lái.
Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch triển khai mạng lưới băng chuyền tự động công nghệ cao. Dự án này mang tên là Autoflow-Road, kéo dài khoảng 310 dặm (500km) giữa Tokyo và Osaka, với chi phí xây dựng ước tính lên đến 26 tỷ USD.
Được biết, Autoflow-Road sẽ sử dụng các pallet có sức chứa lớn, có khả năng di chuyển tới một tấn hàng hóa trên mỗi pallet, thay thế công việc của 25.000 tài xế mỗi ngày và sẽ hoạt động liên tục, 24/7.
Ban đầu, hàng hóa được lên kế hoạch để chạy trên đường ray ở dải phân cách của các xa lộ hiện có. Tuy nhiên, chính phủ giờ đây lại đang hướng tới các đường hầm bên dưới những tuyến đường này.
Dự án này phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của Nhật Bản, hướng tới việc giảm thiểu khí thải nhà kính và cải thiện chất lượng không khí, góp phần bảo vệ môi trường. Việc loại bỏ 25.000 xe tải khỏi đường bộ cũng sẽ làm giảm tình trạng tắc nghẽn, cắt giảm lượng khí thải carbon cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng tài xế xe tải.
Với việc Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài xế giao hàng do dân số già hóa nhanh chóng, việc triển khai hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hiệu quả vận tải ở quốc gia này.