Siêu cường châu Á đặt mục tiêu kim ngạch thương mại 500 tỷ USD với Mỹ để né thuế quan
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố kế hoạch tham vọng nhằm tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ USD vào năm 2030.
Phát biểu sau cuộc gặp với ông Trump tại Washington, ông Modi khẳng định, "các nhóm làm việc của chúng tôi sẽ sớm hoàn tất một thỏa thuận thương mại đôi bên cùng có lợi."
![z6316051035580_834041e3763bad41e1daa44daae521c6.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/14/z6316051035580_834041e3763bad41e1daa44daae521c6.jpg)
Tổng thống Trump ghi nhận động thái gần đây của Ấn Độ trong việc giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Ông cũng cho biết sẽ bắt đầu đàm phán về những bất bình đẳng thương mại hiện có và hy vọng đạt được một thỏa thuận.
Bên cạnh thương mại truyền thống, hai nước cũng thống nhất sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc cho các khoáng sản chiến lược.
Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng thống Trump đã ký một bản ghi nhớ về kế hoạch áp thuế "có đi có lại", theo đó Mỹ sẽ áp dụng mức thuế tương đương với mức mà các nước khác, bao gồm cả Ấn Độ.
Ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ áp dụng mức thuế tương đương với mức mà Ấn Độ áp dụng đối với hàng hóa Mỹ. Ông cũng cho rằng thâm hụt thương mại giữa hai nước có thể được cân bằng bằng việc Ấn Độ mua thêm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Mỹ.
Hiện tại, Ấn Độ đang áp dụng mức thuế trung bình 17% đối với các nước có quy chế tối huệ quốc (MFN), cao hơn nhiều so với mức 3,3% của Mỹ.
Theo số liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, tổng giá trị thương mại hàng hóa giữa hai nước ước đạt 129 tỷ USD trong năm 2024, với Ấn Độ đang duy trì thặng dư 45,7 tỷ USD.
Giáo sư Raghuram Rajan, cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, đánh giá mục tiêu thương mại 500 tỷ USD là khả thi, đặc biệt khi Ấn Độ có thể chuyển hướng nhập khẩu thiết bị quốc phòng từ Nga sang Mỹ và tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nhà sản xuất Mỹ.
Tổng thống Trump nhấn mạnh, "Hiện chúng tôi là một quốc gia có chính sách thương mại đối ứng... Chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế tương tự như Ấn Độ. Bất kỳ quốc gia nào áp thuế bao nhiêu với Mỹ, chúng tôi sẽ áp mức tương tự với họ. Đây là cách làm công bằng".
Tuy nhiên, ông Trump cũng cho biết chính quyền của ông chưa áp dụng ngay lập tức chính sách thuế mới này, vì cần xác định mức thuế phù hợp cho từng quốc gia bị ảnh hưởng.
Chính quyền Trump trước đó đã áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico, cũng như thuế toàn cầu đối với thép và nhôm. Thuế đối với Canada và Mexico hiện đang tạm hoãn sau khi hai nước cam kết mạnh tay hơn với nạn buôn lậu ma túy qua biên giới với Mỹ.
Mặc dù vậy, theo nhà nghiên cứu Daniel Balazs từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, quan hệ Mỹ - Ấn vẫn tồn tại một số điểm căng thẳng, đặc biệt là vấn đề nhập cư trái phép và mối quan hệ chặt chẽ giữa Ấn Độ với Nga. Ông nhận định rằng quan hệ Ấn Độ - Nga sẽ tiếp tục là điểm gây tranh cãi giữa Washington và New Delhi trong tương lai gần.
Theo CNBC
>> Siêu cường châu Á ráo riết xây dựng chuỗi cung ứng ‘chống trừng phạt’ cho dầu Nga
Đầu tư ‘khủng’ xây đế chế xe điện tại Ấn Độ, VinFast đang toan tính điều gì?
Trung Quốc quyết chặn Apple, BYD chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á, Việt Nam có bị ảnh hưởng?