'Siêu đô thị' đầu tiên của Việt Nam đón tin vui lớn
Từ ngày 1/7, TP.HCM chính thức hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành siêu đô thị đầu tiên trên cả nước. Có thể nói, đây là "đòn bẩy" giúp thành phố có thêm động lực phát triển du lịch.
Ngày 4/7, Sở Du lịch TP.HCM thông tin về tình hình du lịch của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo đó, khách quốc tế ước đạt hơn 3,8 triệu lượt, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2024; khách nội địa ước đạt hơn 18,3 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu du lịch ước đạt 117.937 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Được mệnh danh là "thành phố không ngủ" sôi động, hiện đại bậc nhất cả nước, từ trước đến nay, TP.HCM luôn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam. Từ khách quốc tế đến khách nội địa đều bày tỏ sự thích thú đối với thành phố xinh đẹp này. Từ ngày 1/7, TP.HCM chính thức hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành siêu đô thị đầu tiên trên cả nước với hơn 14 triệu dân trên diện tích 6.772km2. Có thể nói, đây là "đòn bẩy" giúp TP.HCM có thêm động lực phát triển du lịch.
Năm 2024, cả nước đón gần 128 triệu lượt khách (cả khách quốc tế và nội địa), doanh thu ước đạt 840.000 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng khách của 3 địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt 63,3 triệu lượt, xấp xỉ 50% tổng lượng khách cả nước. Doanh thu du lịch từ 3 tỉnh này trong năm cũng đạt 209.513 tỷ đồng.

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 3.146 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 134 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Đây cũng là thành phố duy nhất của Việt Nam có đường bay nội thành (Tân Sơn Nhất - Côn Đảo).
Đặc biệt, thành phố mới có tài nguyên du lịch phong phú, bao gồm du lịch đô thị (TP.HCM, Bình Dương), du lịch biển đảo và nghỉ dưỡng cao cấp (Côn Đảo, Hồ Tràm, Vũng Tàu, Long Hải), du lịch golf (Hồ Tràm, Châu Đức), du lịch MICE (hội nghị, hội thảo) đến các hoạt động liên quan đến công nghiệp, văn hóa, lịch sử, sinh thái, tâm linh và sức khỏe, với những địa điểm như nhà tù Côn Đảo, thiền viện Trúc Lâm, rừng ngập mặn, làng nghề gốm sứ, vườn trái cây…


TP.HCM cũng có hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Côn Đảo, với tổng công suất phục vụ lên tới 51 triệu khách mỗi năm, cao nhất cả nước, cùng với kế hoạch kết nối với sân bay Long Thành đang được xây dựng. Giao thông hiện đại, thuận lợi giúp du khách di chuyển dễ dàng và tiết kiệm thời gian. Từ những tiềm năng này, ngành du lịch trong siêu đô thị này được kỳ vọng trở thành mô hình điểm về phát triển bền vững.
>>'Mỏ vàng' giúp thành phố lọt top tuyệt vời nhất thế giới ở Việt Nam có thêm gần 52.000 tỷ đồng