Những thực trạng này không phải là chuyện mới, đã tái diễn nhiều năm qua với vô vàn các biện pháp tháo gỡ nhưng vẫn chưa mang lại kết quả triệt để.
"Biến đổi khí hậu đã và đang tác động lớn đến môi trường, gây ngập lụt ở các đô thị lớn, trong đó ảnh hưởng đến khoảng 54% dân số, tương đương 10 triệu dân ở TP. HCM. Bên cạnh đó, ngập lụt đô thị do mưa lớn, triều cường còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới xe buýt ở thành phố". Đó là những đánh giá của TS Thomas Aulig, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức trong một hội thảo được tổ chức vào chiều 9/5.
Cũng nêu ý kiến tại hội thảo này, ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP. HCM, khái quát: TP. HCM là siêu đô thị, mạng lưới xe buýt bao phủ 22 quận huyện, thành phố, đi qua 62 bệnh viện, 230 trường học, phục vụ nhu cầu đi lại rất lớn. Hệ thống xe buýt ở thành phố với hơn 2.000 phương tiện, hoạt động trên 128 tuyến, vận chuyển khoảng 250.000 người/ngày.
Thời gian qua, tình trạng mưa, triều cường gây ngập lụt ở thành phố ảnh hưởng lớn đến hệ thống xe buýt. Đặc biệt trong quá trình quản lý, việc tích cực phát triển các phần mềm liên quan để nắm bắt kịp thời thông tin, cung cấp đến người dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Ngoài ra, mạng lưới xe buýt ở thành phố còn tiếp cận, đảm nhận kết nối kinh tế vùng với các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Tây Ninh... Chính vì vai trò quan trọng đó, việc chuyển đổi số đối với mạng lưới xe buýt là một xu thế trong tương lai.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho rằng những ngày qua, các cơn mưa đầu mùa gây xáo trộn về giao thông, kẹt xe khắp nơi dẫn đến giao thông gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống xe buýt, gây thiệt hại lớn ở TP. HCM.
Theo thống kê, ngập lụt đô thị tác động lớn đến ùn tắc giao thông, trong khi đó ùn tắc giao thông gây thiệt hại khoảng 97 tỷ USD cho năm 2015-2045, tương đương khoảng 3 tỷ USD mỗi năm.
Thực tế, thực trạng hễ mưa là ngập nước ở TP. HCM không phải là chuyện mới, tình trạng này đã tái diễn nhiều năm qua với vô vàn các biện pháp tháo gỡ nhưng vẫn chưa mang lại kết quả triệt để.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội định kỳ (chiều 9/5), ông Lý Thanh Long - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP. HCM cho hay, tính đến năm 2023, TP. HCM còn 13 tuyến đường chính ngập do mưa và 5 tuyến đường chính ngập do triều cường.
Để ứng phó với ngập lụt và triều cường, ông Long cho biết TP. HCM đang triển khai 3 dự án gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu - Chợ Cầu); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu - Cầu Cụt).
Những dự án này hoàn thành được kỳ vọng giải quyết được 4/13 tuyến đường đường chính thường xuyên ngập. Với các tuyến đường ngập do triều, TP. HCM phấn đấu đưa vào sử dụng dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), kỳ vọng giải quyết được 5/5 tuyến đường ngập do triều.
Siêu đô thị đang chìm với tốc độ không tưởng, hệ thống tàu điện ngầm lớn bậc nhất thế giới bị đe dọa