'Siêu' dự án điện khí gần 12 tỷ USD ở thềm lục địa Việt Nam sắp được 'rót' 28.800 tỷ đồng
Trong quý III/2024, 4 gói thầu thuộc Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (thuộc thành phần của Dự án Điện khí Lô B - Ô Môn) sẽ chính thức được triển khai với mức vốn 28.800 tỷ đồng.
Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Công ty Điều hành đường ống Tây Nam mới đây đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Đường ống Dẫn khí Lô B - Ô Môn điều chỉnh với tổng mức vốn đầu tư 28.788,181 tỷ đồng trong quý III/2024.
Cụ thể, giai đoạn quý III/2024, dự án sẽ triển khai 4 gói thầu gồm: Gói thầu Cung cấp hàng hóa và xây lắp tuyến ống biển vùng nước nông (PC1) với giá 6.222,778 tỷ đồng; Gói thầu Cung cấp hàng hóa và xây lắp tuyến ống biển xa bờ (PC2) có giá 8.077,656 tỷ đồng; Gói thầu Rà phá bom mìn vật nổ phần đường ống biển có giá 92,013 tỷ đồng; Gói thầu Tư vấn khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công, dự toán và giám sát thi công, rà phá bom mìn vật nổ phần đường ống biển có giá 6,14 tỷ đồng.
Dự án điện khí Lô B - Ô Môn được đánh giá là dự án năng lượng trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD. Dự án này bao gồm nhiều dự án thành phần như dự án khai thác khí, dự án đường ống dẫn khí và dự án nhà máy điện.
Riêng Dự án Đường ống khí Lô B - Ô Môn có tổng mức đầu tư 1,277 tỷ USD (Tổng Công ty Khí Việt Nam tham gia góp vốn lên đến 51%).
Các chủ đầu tư chính của Dự án điện khí Lô B - Ô Môn bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (thượng nguồn và các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 vừa được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam(EVN); Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí,Tập đoàn năng lượng Nhật Bản Mitsui Oil Exploration MOECO (thượng nguồn), Tập đoàn năng lượng Thái Lan PTTEP; PV GAS (trung nguồn); Tập đoàn Nhật Bản Marubeni (nhà máy điện Ô Môn 2) và Tổng công ty Phát điện 2 (nhà máy điện Ô Môn 1).
Các doanh nghiệp và đối tác sẽ tiến hành xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí trên biển, trên bờ biển dài khoảng 431 cùng các trạm biến áp bờ, trạm phân phối khí, trạm van và các công trình phụ trợ... để đưa khí từ Lô B về Trung tâm điện lực Ô Môn (TP. Cần Thơ).
Dự án này sẽ vận hành trong 23 năm từ năm 2027 và kết thúc sứ mệnh của mình vào năm 2049, đem về doanh thu gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm cho PV GAS thông qua hoạt động vận chuyển khí.
Trong vòng 2 năm triển khai xây dựng và lắp đặt của dự án, 2 đơn vị thành viên của PV GAS là CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam và CTCP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam sẽ cùng tham gia sản xuất hệ thống đường ống, dự kiến thu về gần 4.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 400 cán bộ, nhân viên.
Sau khi Dự án Đường ống khí Lô B - Ô Môn được triển khai, hoàn thành và đưa khí về Trung tâm Điện lực Ô Môn để phát điện, sẽ đóng góp nguồn thu bền vững vào ngân sách của Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Dự án cũng sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần quan trọng trong việc phát triển cơ sở cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.
Đất nền phía Nam 'trượt dài' trong tình trạng thanh khoản yếu
Nhà Khang Điền (KDH) ‘bơm’ thêm tân binh cho thị trường địa ốc