Siêu dự án sân vận động lớn nhất thế giới: Sức chứa 115.000 khán giả, dự kiến hoàn thành vào năm 2026
Ngân sách cho sân vận động mới vào khoảng 5 tỷ dirham Morocco, tương đương khoảng 12,9 nghìn tỷ đồng.
Morocco đang chuẩn bị làm nên lịch sử với việc xây dựng Grand Stade de Casablanca, một sân vận động dự kiến sẽ trở thành sân bóng đá lớn nhất thế giới.
Quốc gia Bắc Phi này sẽ cùng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đăng cai World Cup 2030, với tham vọng đưa siêu dự án này vượt qua sân vận động Bernabeu hay Camp Nou của Tây Ban Nha để trở thành địa điểm tổ chức trận chung kết danh giá.
Sân vận động dự kiến được xây dựng tại El Mansouria, một thị trấn ven biển phía Đông Casablanca với chưa đến 20.000 dân. Với sức chứa dự kiến 115.000 khán giả, sân vận động sẽ vượt qua sân vận động Rungrado May Day (hay còn gọi là sân mùng 1 tháng 5) ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ngân sách cho sân vận động mới vào khoảng 5 tỷ dirham Morocco, tương đương khoảng 12,9 nghìn tỷ đồng.
Tính đến nay, sân vận động lớn nhất của Morocco là Mohamed V ở Casablanca (sức chứa khoảng 67.000 người), sẽ chỉ bằng một nửa kích thước của sân vận động mới.
Theo Stadium Database, việc xây dựng Grand Stade de Casablanca đã được lên kế hoạch từ đầu thế kỷ XX. Các sân vận động đăng cai World Cup sẽ được chính thức công bố vào năm 2026, thời điểm mà việc xây dựng sân vận động lớn nhất hành tinh dự kiến sẽ hoàn thành.
Ảnh chụp từ trên cao của bản thiết kế đề xuất cho sân vận động ở Morocco. Ảnh: CRUZ Y ORTIZ
Cơ quan Quản lý cơ sở công cộng quốc gia (ANEP) được cho là đã trao hợp đồng cho công ty kiến trúc toàn cầu Populous, hợp tác với công ty Pháp-Morocco Oulalous + Choi (O+C) để thiết kế và xây dựng sân vận động sau khi giành được hợp đồng.
“Chúng tôi rất tự hào khi được trao tặng dự án danh giá này”, Christopher Lee, CEO của Populous cho biết. “Sân vận động Grand Stade de Casablanca sẽ trở thành điểm tham quan mang tính biểu tượng cho tất cả cư dân Casablanca và Morocco”.
Kiến trúc sư Tarik Oualalou cho biết: “Đây sẽ là một sân vận động gắn liền chặt chẽ với văn hóa Morocco với các nét truyền thống cùng hình thức thể hiện đương đại”.
Theo Middle East Monitor