Thế giới

Siêu dự án tòa nhà bằng gỗ cao nhất thế giới: Sử dụng hơn 7.000m3 gỗ thu hoạch từ 600 cây, 'âm thầm' xô đổ mọi kỷ lục

Diệp Thảo 18/07/2024 - 04:46

Siêu dự án này được ước tính có giá trị lên tới 350 triệu USD (8,8 nghìn tỷ đồng).

Phía Tây Australia sắp trở thành nơi sở hữu tòa nhà gỗ cao nhất thế giới sau khi kế hoạch xây dựng một tòa tháp ở Nam Perth của nhà phát triển Grange Development đã được chấp thuận.

Hội đồng đánh giá phát triển Metro Inner-South Joint (JDAP) của thành phố Perth đã thông qua đề xuất xây tòa nhà chọc trời có tên C6 của Grange Development vào năm ngoái.

Tòa nhà này sẽ cao gần gấp đôi so với kỷ lục thế giới hiện nay với 50 tầng và cao tới 191,2m, theo CNN. Các nhà phát triển cho biết 42% tòa nhà được đề xuất sẽ được xây dựng bằng gỗ, với các cột và lõi làm bằng bê tông cốt thép. Siêu dự án này được ước tính có giá trị lên tới 350 triệu USD (8,8 nghìn tỷ đồng).

Siêu dự án tòa nhà bằng gỗ cao nhất thế giới: Sử dụng hơn 7.000m3 gỗ thu hoạch từ 600 cây, 'âm thầm' xô đổ mọi kỷ lục - ảnh 1

Theo Grange Development, tòa tháp 50 tầng sẽ chứa hơn 200 căn hộ, là tòa chung cư không thải carbon đầu tiên ở phía Tây Australia. Ảnh: CNN

Dự kiến sau khi hoàn thành, tòa nhà chọc trời sẽ vượt qua tòa nhà lai gỗ - bê tông cao nhất thế giới là tháp Ascent ở Milwaukee, Wisconsin, gồm 25 tầng và chiều cao 86m, theo Hội đồng tòa nhà cao và môi trường đô thị.

Siêu công trình sẽ nằm trên phố Charles ở phía Nam của thành phố Perth cũng cao hơn tòa nhà lai gỗ - bê tông Atlassian Headquarters ở Sydney. Atlassian Headquarters hướng tới phá kỷ lục của Ascent nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành.

Kiến trúc sư và Giám đốc của Fraser and Partners, Reade Dixon cho biết gỗ sử dụng cho dự án này sẽ đến từ hai nguồn đó là nhà sản xuất gỗ công nghiệp lớn nhất Australia XLam và được vận chuyển từ châu Âu bằng những con tàu chở quặng sắt rỗng quay trở lại Tây Australia.

Giống như Atlassian, tháp C6 sẽ kết hợp dầm gỗ dán nhiều lớp với bộ khung thép để đỡ cấu trúc.

Theo Grange Development, tòa tháp 50 tầng sẽ chứa hơn 200 căn hộ, là tòa chung cư không thải carbon đầu tiên ở phía Tây Australia.

Tòa nhà sẽ sử dụng 7.400m3 gỗ thu hoạch từ 600 cây. Ngoài dùng gỗ, kế hoạch của công ty cũng bao gồm nhiều khoảng xanh như vườn trên nóc tòa nhà, nông trại đô thị và cấp cho cư dân 80 chiếc xe Tesla Model 3 chạy hoàn toàn bằng điện mới.

Philip Oldfield, phó Giáo sư kiến trúc, Giám đốc trường Môi trường xây dựng thuộc Đại học New South Wales nhận định về mặt môi trường, chất lượng của dự án rất tốt.

"Thông thường, chúng ta xây dựng những tòa nhà cao từ thép và bê tông. Xi măng chịu trách nhiệm cho 8% tổng lượng khí thải CO2. Vì vậy, thay thế bê tông và thép bằng vật liệu sinh học như gỗ sẽ giảm đáng kể tác động tới môi trường của tòa nhà", Oldfield nói.

Siêu dự án tòa nhà bằng gỗ cao nhất thế giới: Sử dụng hơn 7.000m3 gỗ thu hoạch từ 600 cây, 'âm thầm' xô đổ mọi kỷ lục - ảnh 2
Gỗ được coi là vật liệu thân thiện với môi trường hơn bê tông. Ảnh: CNN

Trong giai đoạn xây dựng, dự án dự kiến sẽ hấp thụ 10,5 triệu kg carbon dioxide, tương đương với lượng carbon thải ra từ 4885 chuyến bay hạng phổ thông bay từ thành phố Perth đến Thủ đô London (Anh).

Thách thức của siêu dự án

Mặc dù đem lại những lợi ích tiềm năng, thị trường địa phương vẫn còn nhiều thách thức khiến các nhà phát triển chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong xây dựng bằng gỗ khối.

James Dibble, CEO của Grange Development cho hay: "Thông thường, người ta cho rằng một tòa nhà lai, bao gồm cả gỗ khối, sẽ đắt hơn 20% so với xây dựng thông thường. Với lợi nhuận của các nhà phát triển vốn đã eo hẹp thì đó là một rủi ro tương đối lớn".

“Ngoài ra, đối với các dự án như thế này người ta thường nghĩ đến nguy cơ hỏa hoạn, nhưng thực tế thì tòa nhà bằng gỗ có khả năng chống cháy tốt hơn so với tòa nhà bằng thép”, ông nói thêm.

Ông Dibble cũng cho biết mặc dù chuỗi cung ứng cho gỗ công nghiệp đang phát triển nhanh chóng, hiện tại vẫn còn những hạn chế với những khó khăn trong việc tìm kiếm các công ty hoạt động trên tất cả các thành phần khác nhau như gỗ glulam, gỗ dán nhiều lớp (CLT) và gỗ ván ép đồng hướng (LVL).

"Thật khó để tìm một công ty sản xuất tất cả các thành phần khác nhau, vì vậy bạn cần phải có các chuyên môn khác nhau trong các khía cạnh khác nhau. Ngay cả khi đáp ứng được điều trên, vẫn khó có thể tìm một nhà cung cấp có thể đủ cung cấp lượng gỗ cần thiết”, ông nói.

Ngoài ra, xét về góc độ sản xuất, việc sở hữu những máy ép đủ lớn và có công nghệ để đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru cũng là một thách thức.

“Chúng tôi không đạt được mọi mục tiêu đề ra trong dự án này, bao gồm cả việc đạt được mức chi phí ngang bằng so với xây dựng truyền thống, nhưng chúng tôi đã giảm ngưỡng đó từ 20% xuống 9,8%, điều mà chúng tôi cảm thấy là một mức lợi nhuận đáng kể”, vị CEO bày tỏ.

Theo CNN, Elite Agent, The Property Tribune

>> Siêu dự án sân vận động lớn nhất thế giới: Sức chứa 115.000 khán giả, dự kiến hoàn thành vào năm 2026

Láng giềng Việt Nam dùng tên lửa xây cầu cao ngang tòa nhà 170 tầng, phóng dây cáp ‘xuyên thủng mây’ khiến thế giới ngỡ ngàng

Láng giềng Việt Nam chi hơn 3 nghìn tỷ xây cầu cao ngang tòa nhà 200 tầng, lập tức đạt kỷ lục thế giới

Theo Kinh tế đô thị
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/sieu-du-an-toa-nha-bang-go-cao-nhat-the-gioi-su-dung-hon-7000m3-go-thu-hoach-tu-600-cay-am-tham-xo-do-moi-ky-luc-124231.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Siêu dự án tòa nhà bằng gỗ cao nhất thế giới: Sử dụng hơn 7.000m3 gỗ thu hoạch từ 600 cây, 'âm thầm' xô đổ mọi kỷ lục
POWERED BY ONECMS & INTECH