Xã hội

Siêu lục địa khiến lớp phủ Trái Đất 'tách thành 2 phần'

Khả Vy 30/10/2024 13:55

Lớp phủ - phần dày nhất của Trái Đất nằm ngay dưới chân chúng ta thực tế đã bị chia cắt từ lâu.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nature Geoscience cho biết lớp phủ - phần dày nhất của Trái Đất nằm ngay dưới chân chúng ta thực tế đã bị chia cắt từ lâu thành hai miền: Châu Phi và Thái Bình Dương. Ranh giới giữa hai miền lớp phủ này chính là Vành đai lửa Thái Bình Dương và sự chia cắt này bắt nguồn từ sự phân tách của Pangaea, hay còn gọi là Toàn Lục Địa.

Siêu lục địa khiến lớp phủ Trái Đất 'tách thành 2 phần' - ảnh 1
Hình ảnh minh họa về thế giới khi được bao phủ bởi siêu lục địa Pangaea. Ảnh: Getty Images

Trong hai miền này, miền Châu Phi chứa phần lớn diện tích đất liền của Trái Đất, từ bờ biển phía Đông của châu Á và châu Úc, trải dài qua châu Âu, châu Phi và Đại Tây Dương, đến bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ. Trong khi đó, miền Thái Bình Dương chủ yếu bao phủ khu vực đại dương cùng tên.

Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng, bên dưới miền Châu Phi, lớp phủ chứa nhiều nguyên tố và đồng vị đa dạng hơn so với miền Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Luc Doucet từ Đại học Curtin (Australia), đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ với tờ Live Science rằng sự khác biệt về thành phần giữa hai miền lớp phủ này phản ánh hai chu kỳ siêu lục địa trong vòng 1 tỷ năm qua.

Đầu tiên là siêu lục địa Rodinia, hình thành khoảng 1,2 tỷ năm trước và vỡ ra vào khoảng 750 triệu năm trước. Sau đó là siêu lục địa Pangaea, xuất hiện khoảng 335 triệu năm trước và tan rã vào khoảng 200 triệu năm trước.

Siêu lục địa khiến lớp phủ Trái Đất 'tách thành 2 phần' - ảnh 2
Siêu lục địa Pangaea hình thành cách đây khoảng 320 triệu năm. Ảnh: Getty Images Plus

Các siêu lục địa này đã hợp nhất tại khu vực miền Châu Phi. Khi các đại dương khép lại giữa chúng, vỏ đại dương trượt xuống dưới lục địa trong quá trình được gọi là "hút chìm," đôi khi kéo theo cả đá từ lục địa. Tiến sĩ Doucet giải thích rằng quá trình này đã đưa các nguyên tố và đồng vị từ vỏ lục địa xuống lớp phủ bên dưới siêu lục địa đang hình thành. Sau khi siêu lục địa ra đời, quá trình này vẫn tiếp tục nhưng theo cách khác một chút. Vỏ đại dương ở rìa Rodinia và sau này là Pangaea đã chìm xuống dưới lục địa, làm xói mòn một phần đá. Quá trình này tạo ra một hiệu ứng giống như hình phễu.

Ngay cả sau khi Pangaea tan vỡ, các dấu vết của quá trình này vẫn còn lại trong lớp phủ nông và sâu của Trái Đất, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience. Trong nghiên cứu này, Doucet và Giáo sư danh dự Zheng-Xiang Li từ Đại học Curtin đã tập trung vào magma của lớp phủ nông. Họ đã kiểm tra 3.983 mẫu vật từ các sống núi giữa đại dương, nơi mảng kiến tạo đang dãn ra và magma từ lớp phủ nông trồi lên, tạo thành đá núi lửa hay basalt.

Siêu lục địa khiến lớp phủ Trái Đất 'tách thành 2 phần' - ảnh 3
Sự hình thành các lục địa do sự tách rời của Pangaea. Ảnh: Getty Images

Nhóm nghiên cứu sau đó đã sử dụng công nghệ học máy để so sánh thành phần nguyên tố và đồng vị của các mẫu basalt từ khắp nơi trên thế giới và trong cùng một giai đoạn thời gian. Tương tự như magma từ lớp phủ sâu, họ phát hiện rằng lớp phủ nông cũng được chia thành hai miền: Châu Phi và Thái Bình Dương. Kết quả này cung cấp thêm những thông tin quan trọng về mối liên hệ giữa lớp phủ và bề mặt Trái Đất.

>> Thực hư siêu lục địa tan rã khiến kim cương đặc biệt quý trồi lên

Đỉnh núi cao gần 5.000m được hình thành cách đây hàng triệu năm, là biểu tượng của sự kết nối hai lục địa

Tiến hành mũi khoan sâu 1.200m dưới đáy đại dương, thành công lấy mẫu đá sâu nhất từ lớp phủ Trái đất

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sieu-luc-dia-khien-lop-phu-trai-dat-tach-thanh-2-phan-129151.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Siêu lục địa khiến lớp phủ Trái Đất 'tách thành 2 phần'
    POWERED BY ONECMS & INTECH