Kiến thức

'Siêu' sân bay dân dụng cao nhất thế giới 'lơ lửng" hơn 4.000m, tổng đầu tư hơn 5.000 tỷ, phi công phải đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt

Linh Chi 13/08/2024 - 07:45

Nằm ở độ cao 4.411m so với mực nước biển, sân bay này mang danh hiệu sân bay dân dụng cao nhất thế giới.

Sân bay cao nhất thế giới

Sân bay Daocheng Yading ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, là một trong những sân bay độc đáo nhất thế giới nhờ nằm ở độ cao 4.411m so với mực nước biển, mang danh hiệu sân bay dân dụng cao nhất thế giới.

Vùng Tây Nam Tứ Xuyên, gần biên giới Tây Tạng và khu vực rất khắc nghiệt, giao thông khó khăn. Trước khi sân bay Daocheng Yading được xây dựng, việc di chuyển đến Daocheng là một thách thức lớn do địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Việc xây dựng sân bay đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành Đô đến Daocheng từ hai ngày bằng ô tô xuống chỉ còn khoảng 65 phút bay. Daocheng Yading chính thức hoạt động từ tháng 9/2013, cung cấp các chuyến bay đến nhiều thành phố lớn như Thành Đô, Thượng Hải, Quảng Châu và Trùng Khánh...

Sân bay Daocheng Yading có thiết kế độc đáo. Ảnh: Sưu tầm

Sân bay Daocheng Yading có thiết kế độc đáo. Ảnh: Sưu tầm

Sân bay này có tổng vốn đầu tư lên đến 1,58 tỷ NDT (tương đương khoảng 5.500 tỷ đồng theo tỷ giá năm 2013) và dự kiến phục vụ khoảng 280.000 lượt khách mỗi năm, khối lượng hàng hóa và thư tín khoảng 1.400 tấn, lưu lượng hành khách cao điểm là 380 người mỗi giờ.

Với khoản đầu tư hàng trăm triệu USD, Daocheng Yading được thiết kế hiện đại và ấn tượng. Sân bay có đường băng dài 4.200m và rộng 45m. Nhà ga của sân bay có diện tích 5.000m², được thiết kế hình dạng như một chiếc đĩa bay với hai cầu hàng không độc đáo.

Vì là sân bay cao nhất thế giới, các phi công khi cất cánh hoặc hạ cánh tại Daocheng Yading phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt: phải là cơ trưởng, có giấy phép chứng nhận hạ cánh tại sân bay có độ cao lớn, không quá 55 tuổi và có ít nhất 1.200 giờ bay, trong đó 100 giờ phải là trên loại máy bay đang sử dụng.

Chính phủ Trung Quốc hy vọng sân bay này sẽ thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế xã hội, bởi sân bay nằm cách khu bảo tồn thiên nhiên Yading 130 km. Nơi đây nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp và được mệnh danh là "vùng đất tinh khiết cuối cùng trên hành tinh xanh".

Sân bay Daocheng Yading cao nhất thế giới. Ảnh: Sưu tầm

Sân bay Daocheng Yading cao nhất thế giới. Ảnh: Sưu tầm

Tầm quan trọng của sân bay Daocheng Yading

Sân bay Daocheng Yading không chỉ là sân bay dân sự cao nhất thế giới mà còn là biểu tượng của sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật hiện đại và ý chí con người.

Xây dựng tại khu vực có địa hình hiểm trở, đội ngũ xây dựng đã phải đối mặt với thử thách từ độ cao lớn, khí hậu lạnh, mưa nhiều và thiếu oxy... Đồng thời chú trọng bảo vệ hệ sinh thái mong manh của khu vực núi cao.

Sau khi hoàn thành, sân bay đã mang lại lợi ích đáng kể cho địa phương, thúc đẩy du lịch và cải thiện khả năng đi lại, đồng thời tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm vùng cao nguyên hùng vĩ và nâng cao sự nhận biết về vùng biên giới.

>>Tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ có thêm thành phố mới vào sau năm 2030

Đề xuất chi gần 1.500 tỷ nâng cấp quốc lộ đi qua tỉnh sở hữu sân bay gần 6.000 tỷ đồng

Hà Nội dự kiến vị trí của sân bay quốc tế thứ hai, chuyên gia 'chỉ điểm' phương thức đầu tư bất động sản

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/sieu-san-bay-dan-dung-cao-nhat-the-gioi-lo-lung-hon-4000m-tong-dau-tu-hon-5000-ty-phi-cong-phai-dat-tieu-chuan-nghiem-ngat-d130303.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Siêu' sân bay dân dụng cao nhất thế giới 'lơ lửng" hơn 4.000m, tổng đầu tư hơn 5.000 tỷ, phi công phải đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt
    POWERED BY ONECMS & INTECH