Bất động sản

Tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ có thêm thành phố mới vào sau năm 2030

Quốc Chiến 12/08/2024 12:00

Theo quy hoạch, địa phương này sẽ được nâng cấp lên thị xã vào năm 2030 và tiếp tục trở thành thành phố sau năm 2030.

Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ trải qua những thay đổi đáng kể về cơ cấu hành chính và phát triển kinh tế - xã hội.

Đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ có 4 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành); một thị xã (Trảng Bom) và 6 huyện (Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc).

Sau năm 2030, tỉnh sẽ có 5 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom); một thị xã (Thống Nhất) và 5 huyện (Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc). Như vậy, Trảng Bom sẽ được nâng cấp lên thị xã vào năm 2030 và tiếp tục trở thành thành phố sau năm 2030.

Vị trí địa lý huyện Trảng Bom

Vị trí địa lý huyện Trảng Bom

Cũng theo quy hoạch, Huyện Trảng Bom sẽ phát triển theo mô hình Công nghiệp – đô thị - dịch vụ, với diện tích khoảng 14.872 ha, chủ yếu ở các phân khu phía Tây đường Vành đai 4, bao gồm thị trấn Trảng Bom và các xã Hố Nai 3, Bắc Sơn, Bình Minh, Quảng Tiến, Giang Điền, An Viễn, Đồi 61, một phần xã Sông Trầu và xã Tây Hoà. Khu vực này sẽ tập trung phát triển đô thị, dịch vụ và công nghiệp.

Hệ thống đô thị của vùng phía Tây bao gồm các đô thị Trảng Bom, Hố Nai 3, Bắc Sơn và Giang Điền, trong đó thị trấn Trảng Bom sẽ là đô thị hạt nhân.

>> Cập nhật tiến độ nhà máy điện phân nhôm đầu tiên tại Việt Nam

Các phân khu phía Đông đường Vành đai 4 sẽ tập trung phát triển nông lâm ngư nghiệp, bảo vệ rừng, cảnh quan, nguồn nước và duy trì đa dạng sinh học. Diện tích khu vực này khoảng 17.669ha bao gồm các xã Thanh Bình, Cây Gáo, Bàu Hàm, Sông Thao, Trung Hòa, Đông Hòa, Hưng Thịnh và một phần xã Sông Trầu và xã Tây Hoà.

Đến năm 2025, huyện Trảng Bom sẽ trở thành thị xã Trảng Bom, đạt tiêu chí đô thị loại IV với quy mô toàn huyện, bao gồm ít nhất 9 phường trên diện tích khoảng 12.500ha. Khu vực trung tâm gồm thị trấn Trảng Bom và các phần của xã Sông Trầu, Quảng Tiến và Đồi 61. Đến năm 2030, Trảng Bom sẽ được nâng cấp lên đô thị loại III, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, công nghiệp và du lịch của tỉnh Đồng Nai.

Huyện Trảng Bom sẽ được nâng cấp lên thị xã vào năm 2030 và tiếp tục trở thành thành phố sau năm 2030

Huyện Trảng Bom sẽ được nâng cấp lên thị xã vào năm 2030 và tiếp tục trở thành thành phố sau năm 2030

Huyện Trảng Bom cũng nằm trong vùng phát triển kinh tế - xã hội phía Tây của tỉnh Đồng Nai, bao gồm TP. Biên Hòa, các đô thị Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và các xã thuộc huyện Vĩnh Cửu. Đây là vùng động lực phát triển đô thị - dịch vụ - công nghiệp, với hạt nhân là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai: Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch.

Định hướng phát triển của vùng này sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp hàng không, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và các dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo. Huyện Trảng Bom sẽ phát triển các dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cùng với các loại hình du lịch gắn liền với đô thị văn minh hiện đại và sông Đồng Nai.

Huyện Trảng Bom cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ tuyến Vành đai 4 TP. HCM, dự kiến có chiều dài 207km và quy mô 8 làn xe sau khi hoàn thành. Đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài gần 46km, bao gồm các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Long Thành.

Ngoài tuyến Vành đai 4, huyện Trảng Bom còn có các tuyến đường tỉnh như ĐT 762 và ĐT 772, cùng với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt đô thị Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh, sẽ góp phần kết nối huyện với các khu vực lân cận và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Với các chuyển động hạ tầng và quy hoạch phát triển, huyện Trảng Bom hứa hẹn sẽ trở thành một điểm sáng trong bức tranh phát triển toàn diện của tỉnh Đồng Nai, với sự kết hợp hài hòa giữa công nghiệp, đô thị, dịch vụ và nông lâm ngư nghiệp.

Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh cũ là Biên Hoà và Long Khánh; đây được xem là tỉnh đông dân thứ 5 cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là "cửa ngõ" phía Đông của TP. HCM. Trong tương lai, sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đang được xây dựng sẽ trở thành sân bay lớn Việt Nam.

>> Thị xã trực thuộc tỉnh giàu nức tiếng miền Bắc vừa được Bộ Nội vụ thẩm định hồ sơ lên thành phố

Thị xã trực thuộc tỉnh giàu nức tiếng miền Bắc vừa được Bộ Nội vụ thẩm định hồ sơ lên thành phố

Thị xã trực thuộc tỉnh đông dân nhất Việt Nam chuẩn bị lên thành phố sắp có 'siêu dự án' nhiệt điện 58.000 tỷ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tinh-so-huu-san-bay-lon-nhat-viet-nam-se-co-them-thanh-pho-moi-vao-sau-nam-2030-d129970.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ có thêm thành phố mới vào sau năm 2030
POWERED BY ONECMS & INTECH