Siêu sân bay Long Thành sẽ kết nối với đầu mối giao thông lớn nhất Việt Nam bằng hệ thống đồ sộ, phong phú
Hệ thống giao thông kết nối giữa thành phố lớn của Việt Nam với siêu sân bay đang trong quá trình triển khai, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày sân bay Long Thành đi vào hoạt động năm 2026.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) là sân bay lớn nhất của Việt Nam trong tương lai, là cửa ngõ kết nối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, hệ thống giao thông từ siêu sân bay kết nối với TP. Hồ Chí Minh cách đó hơn 55km đã được đầu tư và triển khai với các đường kết nối từ đường bộ đường sắt cho đến đường thủy. Tất cả sẵn sàng cho ngày siêu sân bay đi vào hoạt động năm 2026.
Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây mở rộng
Năm 2016, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào khai thác. Cao tốc này có lượng xe ra vào liên tục tăng. Đặc biệt, đoạn TP. HCM - Long Thành dự báo đến năm 2025 lưu lượng qua đây sẽ đạt khoảng 72.254 lượt/ngày đêm, vượt 25% so với năng lực thông hành với quy mô 4 làn xe hiện hữu.
Trước hoàn cảnh này, vừa qua, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đề xuất mở rộng đoạn cao tốc TP. HCM - Long Thành, đoạn từ nút giao Vành đai 2 TP. HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với chiều dài 21,92km. Dự kiến đoạn cao tốc này sẽ mở rộng lên 8-10 làn xe. Theo nghiên cứu của doanh nghiệp này, nếu các thủ tục đầu tư được rút ngắn, công trình có thể hoàn thành vào tháng 12/2027.
Với đoạn đường dẫn cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cũng đề xuất chi ngân sách gần 1.000 tỷ đồng. Đoạn đường dẫn này có chiều dài 4km, được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe. Đoạn đường dẫn này dự kiến khởi công từ quý II/2025 và đưa vào khai thác từ quý IV/2026.
Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu là ga Thủ Thiêm (TP. HCM) và điểm cuối là sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành phần lớn chạy song song với cao tốc TP. HCM - Long Thành với tổng chiều dài tuyến là 37,35km, trong đó đoạn qua TP. HCM là 11,8km, qua Đồng Nai là 25,55km.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt nhẹ này sẽ có tổng cộng 20 ga, depot được bố trí phía Đông sân bay Long Thành, tại xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Tuyến đường sắt được khai thác với tốc độ tối đa là 80km/giờ, vận tốc khai thác 60km/giờ. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 40.500 tỷ đồng.
Đường thủy kết nối sân bay Long Thành - TP. HCM
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã đề xuất 3 phương án kết nối thành phố đến sân bay Long Thành bằng đường thủy:
- Phương án 1: Hình thành tuyến vận tải chở khách trực tiếp bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng (quận 1, TP. HCM) đến bến du thuyền SwanBay ở Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với chiều dài hơn 22km. Thời gian chạy toàn tuyến là 35-45 phút.
- Phương án 2: Nâng cấp hai đầu bến Phú Xuân - Phước Khánh trên sông Soài Rạp để tăng kết nối từ khu vực Nhà Bè sang huyện Nhơn Trạch. Sau khi qua sông, khách có thể theo tuyến Phạm Thái Bường, ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành với cự ly gần 25km, thời gian di chuyển 40-45 phút.
- Phương án 3: Tăng công suất khai thác ở bến phà Cát Lái, nối TP. Thủ Đức qua huyện Nhơn Trạch.
Giao thông TP. HCM là tổng hòa của nhiều loại hình giao thông hiện hữu phục vụ nhu cầu đi lại trong phạm vi thành phố và giữa TP. HCM với các vùng lân cận và toàn cầu. Là đô thị lớn nhất và là đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam, TP. HCM có hệ thống cơ sở hạ tầng đa dạng và hiện đại với nhiều đường trục liên vùng lớn, hai đường cao tốc chính nối các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ, cùng nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm.