'Siêu' ý tưởng phát triển lưới điện ngoài hành tinh đầu tiên: Xây mạng lưới vệ tinh trên độ cao 1.500km, cung cấp lượng điện gấp 5 - 10 lần
Năng lượng Mặt Trời từ không gian có thể không còn là giấc mơ khoa học viễn tưởng nữa.
Star Catcher Industries, một startup có trụ sở tại Florida, Mỹ vừa huy động được 12,25 triệu USD để hiện thực hóa một ý tưởng đầy tham vọng: xây dựng mạng lưới vệ tinh truyền điện trên quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO). Theo thông tin từ Space hôm 25/7, vệ tinh đầu tiên có thể được phóng lên ngay trong năm tới.
Khác với các hệ thống năng lượng Mặt Trời truyền thống, Star Catcher hướng đến việc cung cấp điện trực tiếp cho các vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, thay vì các khách hàng ở dưới mặt đất. Đây là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt khi mà số lượng vệ tinh trên quỹ đạo LEO dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030, đạt con số 50.000. Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các "ông lớn" như Starlink của SpaceX, Star Catcher đang đặt cược vào một tương lai nơi không gian sẽ trở thành một "lưới điện khổng lồ."
Star Catcher Industries đang lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới vệ tinh năng lượng Mặt Trời độc đáo, hoạt động ở độ cao khoảng 1.500km so với mặt đất. Các vệ tinh này sẽ thu thập năng lượng từ Mặt Trời và truyền trực tiếp đến các vệ tinh khác đang hoạt động trên quỹ đạo LEO, thông qua những chùm bức xạ có thể chuyển đổi hiệu quả thành điện năng.
Đáng chú ý, công suất của các chùm năng lượng này có thể điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với nhu cầu sử dụng điện năng đa dạng của các loại phương tiện vũ trụ khác nhau. Với hệ thống này, Star Catcher đặt mục tiêu cung cấp cho các vệ tinh một lượng điện năng gấp 5-10 lần so với công suất tự phát của chúng.
Andrew Rush, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Star Catcher Industries, chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng cơ sở hạ tầng điện là yếu tố cốt lõi để xây dựng một nền văn minh và công nghiệp phát triển. Việc mở rộng mạng lưới điện này ra không gian, đặc biệt là quỹ đạo LEO và xa hơn nữa, sẽ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự. Việc có thể cung cấp điện năng một cách ổn định và linh hoạt cho các phương tiện vũ trụ ở bất kỳ đâu trên quỹ đạo LEO sẽ mở ra vô vàn cơ hội mới, thúc đẩy nhân loại tiến vào một kỷ nguyên hoàng kim mới của khám phá không gian."
Số vốn mới huy động được sẽ được Star Catcher Industries sử dụng để đẩy nhanh quá trình phát triển và thương mại hóa công nghệ truyền tải năng lượng không dây của mình. Công ty sẽ bắt đầu bằng các thử nghiệm trên mặt đất để xác thực hiệu quả của công nghệ này. Dự kiến, vào cuối năm 2025, những thử nghiệm đầu tiên trên quỹ đạo sẽ được thực hiện, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng lưới điện vũ trụ.
Lưới điện vũ trụ hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích to lớn. Ví dụ, các vệ tinh nhỏ và có công suất thấp sẽ có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn nhờ khả năng sạc pin thường xuyên. Ngoài ra, những phương tiện vũ trụ gặp sự cố về hệ thống điện hoặc pin năng lượng Mặt Trời cũng có thể được hỗ trợ kịp thời.
Không chỉ vậy, lưới điện vũ trụ còn đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng, đặc biệt ở những khu vực bị bóng tối bao phủ, nơi các nguồn năng lượng truyền thống không hoạt động hiệu quả. Việc sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động khác trên quỹ đạo, vốn đòi hỏi một lượng điện năng lớn, cũng sẽ được hưởng lợi từ hệ thống này.
>> Vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam cách trái đất gần 36.000km, vốn đầu tư 300 triệu đô