Sở Y tế TP.HCM: Chuyển hồ sơ vi phạm của cơ sở thẩm mỹ Pfizer sang cơ quan công an
Ngày 21/9, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết đã chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng tố tụng hình sự để tiếp tục xử lý hộ kinh doanh Pfizers có địa chỉ 2B - 2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3 về các hành vi vi phạm.
Cơ sở thẩm mỹ này quảng cáo trên mạng xã hội sử dụng logo có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu hàng hóa của tập đoàn đa quốc gia Pfizer Inc., vi phạm các quy định pháp luật khi hành nghề và vẫn ngang nhiên hoạt động mặc dù bị tạm đình chỉ hoạt động. |
Đây là kết quả của việc chủ động phối hợp giữa Thanh tra Sở Y tế TP.HCM với UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức khi tiến hành kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy định pháp luật và kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các sai phạm đối với các cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ thẩm mỹ do địa phương cấp phép.
Được biết, Sở Y tế TP.HCM đã nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc điều trị sẹo, gây biến chứng tại cơ sở làm đẹp có tên là “Pfizers” (có địa chỉ 2B - 2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM). Đồng thời, Sở cũng nhận được phản ánh của Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) về việc cơ sở thẩm mỹ nói trên có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu hàng hóa khi quảng cáo. Theo đó,trong quá trình quảng cáo trên mạng xã hội, cơ sở đã sử dụng logo của Tập đoàn Pfizer Inc. – tập đoàn đa quốc gia về dược phẩm và công nghệ sinh học.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp Phòng Y tế quận 3, UBND phường Võ Thị Sáu và Công an phườngVõ Thị Sáu (quận 3) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở có tên Pfizers tại địa chỉ 2B - 2C Hồ Xuân Hương (phường Võ Thị Sáu, quận 3). Đây là một cơ sở thẩm mỹ được UBND quận 3 cấp Giấy chứng nhận đăng ký “Hộ kinh doanh PFIZERS” (cấp ngày 12/05/2023), ngành nghề kinh doanh là chăm sóc da, do bà T.T.K.M làm chủ hộ.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, vào ngày 27/06/2023, UBND quận 3 đã ban hành Quyết định số 457/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với “Hộ kinh doanh Pfizers” do có hành vi sử dụng các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da trên bộ phận cơ thể người (theo quy định pháp luật, các cơ sở do UBND quận, huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh thì tuyệt đối không được thực hiện các thủ thuật này). Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng.
Tuy nhiên, hộ kinh doanh này không những không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận 3 mà còn cố tình tái phạm với hành vi vi phạm, tiếp tục quảng cáo điều trị sẹo, tiêm... Qua tổng hợp hồ sơ, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM nhận thấy đây là trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo quy định.
Trước đó, theo phản ánh của một bệnh nhân nữ 42 tuổi, bà này bị sưng tấy, mưng mủ sau khi sử dụng dịch vụ xóa sẹo với giá 100 triệu đồng tại Viện thẩm mỹ Quốc tế Pfizer. Bệnh nhân cho biết, bản thân có cơ địa sẹo lồi, tìm đến viện thẩm mỹ sau quảng cáo "có khả năng điều trị dứt điểm mọi loại sẹo chỉ trong vòng 60 phút bằng các phương pháp điều trị tiên tiến nhất và cam kết hoàn tiền 200% nếu không dứt điểm".
Cam kết của cơ sở thẩm mỹ Pfizer đối với khách hàng. |
Bệnh nhân này cho biết, trong quá trình sử dụng dịch vụ tại cơ sở Pfizer, sau khi khám, một người xưng là "bác sĩ Hải, đang làm việc tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM" chỉ định mổ cắt 3 vết sẹo tại vùng ngực trái, phải và vùng sau gáy, còn một số vùng sẹo khác thì điều trị bằng phương pháp chuyên sâu.
Bác sĩ khẳng định với bệnh nhân rằng sau 15-20 ngày sẹo sẽ cải thiện ít nhất 75-80%, cam kết sau liệu trình điều trị sẹo sẽ cải thiện đến 95%. Ngoài ra, trong hồ sơ điều trị, cơ sở Pfizer cũng cam kết "bảo hành trọn đời", sẽ điều trị miễn phí đến hết sẹo nếu kết thúc liệu trình mà không có hiệu quả.
Tuy nhiên, sau 4 lần phẫu thuật bởi người thực hiện được giới thiệu là "bác sĩ Phùng Anh Dũng", các vết sẹo của nữ bệnh nhân không khỏi mà bị biến chứng nặng, viêm nhiễm, không lành thương.
Theo lời bệnh nhân, người tư xưng là “bác sĩ Dũng” kết luận tình trạng của bà là do thiếu kinh nghiệm nên phẫu thuật vết thương ở lần đầu đã cấy lượng noãn tươi vào quá liều dẫn đến vết thương không thể lành, yêu cầu cho cơ hội để xử lý, nếu không lành bác sĩ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, có bản cam kết đính kèm.
Thời gian sau đó, vết thương của nữ bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng, kèm nhiều mủ, sưng tấy. Bệnh nhân đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám, được yêu cầu uống thuốc để xử lý viêm nhiễm, sau đó phẫu thuật lại cả ba vết sẹo bằng phương pháp ghép da.
Quá bức xúc, bệnh nhân đã tìm đến viện thẩm mỹ Pfizer yêu cầu chịu trách nhiệm về hậu quả phẫu thuật do cơ sở này gây ra, thì nhận được câu trả lời rằng “bác sĩ Dũng” đã bị cho thôi việc. Bệnh nhân khẳng định, người đại diện cơ sở Pfizer thời điểm đó cam kết với bà rằng sẽ xử lý hậu quả, và nhiều lần hứa hẹn hoàn trả lại tiền, song vẫn không thực hiện.
Trao đổi với báo chí, đại diện cơ sở thẩm mỹ xác nhận bệnh nhân có tham gia điều trị xóa sẹo, "kết quả không như mong muốn có thể do bệnh nhân không kiêng khem theo lời dặn bác sĩ". Người này cho biết cơ sở được cấp phép "chăm sóc da", đã hỗ trợ bệnh nhân đi khám sau khi xảy ra biến chứng, "không bỏ rơi bệnh nhân
Nhằm kịp thời ngăn chặn các cơ sở hoạt động không phép, hoạt động trá hình, lén lút và xử lý nghiêm các sai phạm cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND quận/huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo Phòng Y tế và các phòng chuyên môn thực hiện các nội dung sau: Tăng cường rà soát việc cấp phép kinh doanh, lưu ý việc đăng ký tên của cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Tăng cường hậu kiểm sau cấp phép đăng ký kinh doanh để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, lưu ý chấn chỉnh tên biển hiệu các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (phun, xăm, thêu trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu (hair salon)… phải đồng nhất với tên cơ sở trong giấy phép đăng ký kinh doanh.
Xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện phun, xăm, thêu thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi Sở Y tế theo quy định; đào tạo ngành nghề thẩm mỹ không có giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề trên địa bàn quản lý.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về tác hại sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở không phép, cơ sở không đảm bảo đủ điều kiện để người dân biết và phòng tránh.
Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo người dân khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp xâm lấn (tiêm, chích, phẫu thuật, tiểu phẫu/điều trị sẹo, hút mỡ, chiếu tia, laser…), phải lựa chọn các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Người dân có thể tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và tra cứu thông tin về danh mục kỹ thuật (tức các dịch vụ mà BV, PK được phép thực hiện). Tuyệt đối không lựa chọn cơ sở làm đẹp mà chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu, khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bước đột phá trong điều trị ung thư: Thuốc mới của Pfizer cho kết quả khả quan
Nhật Bản dự kiến tiêu hủy 77% số thuốc dự trữ điều trị COVID-19