Tài sản của các ông chủ mạng xã hội đã có sự biến động, đặc biệt là sau khi Elon Musk trở thành ông chủ của Twitter và làn sóng sa thải tại thung lũng Silicon.
Elon Musk (Twitter) - 170 tỷ USD
Elon Musk là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng công nghệ thời gian qua, từ khi ông chính thức tiếp quản Twitter. CEO Tesla đã giải thể toàn bộ ban lãnh đạo Twitter, sa thải hàng nghìn nhân viên và thực hiện nhiều thay đổi trong hoạt động của mạng xã hội này.
Theo AFP, để mua Twitter với giá 44 tỷ USD, tỷ phú Musk đã dùng các nguồn tiền từ tài sản cá nhân, các quỹ đầu tư, vay ngân hàng và những nguồn khác.
Tính đến ngày 22/11, vượt qua cả Mark Zuckerberg, tỷ phú người Nam Phi đã trở thành cái tên mất nhiều tiền nhất thế giới khi chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm 101 tỷ USD. Sự sụt giảm này nhiều hơn so với bất kỳ cái tên nào trong danh sách 500 tỷ phú hàng đầu thế giới được Bloomberg Billionaires Index theo dõi.
Mark Zuckerberg (Facebook) - 41,3 tỷ USD
Giám đốc điều hành của Meta - Mark Zuckerberg đang là người giàu thứ 27 thế giới trong danh sách của Forbes khi sở hữu khối tài sản hơn 40 tỷ USD. Tài sản của tỷ phú này cũng đã sụt giảm mạnh trong năm qua. Cách đây chưa đầy 2 năm, Zuckerberg xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách, chỉ sau tỷ phú Jeff Bezos và Bill Gates.
Sự giàu có của ông trùm công nghệ 38 tuổi chủ yếu đi xuống kể từ khi đổi tên Facebook thành Meta, tham vọng xây dựng vũ trụ ảo metaverse vẫn chưa thành hiện thực dù đã tiêu tốn hàng tỷ đô, doanh thu quảng cáo sụt giảm, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt từ những nền tảng mới nổi như TikTok khiến Meta đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Mới đây nhất, Mark Zuckerberg thông báo sa thải hơn 11.000 nhân viên và nhận trách nhiệm về sai lầm của mình.
Pavel Durov (Telegram) - 15,1 tỷ USD
Pavel Durov là người sáng lập và chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin được mã hóa Telegram. Telegram với cam kết bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng đã trở thành một trong những nền tảng nhắn tin lớn nhất trên toàn thế giới với hơn 600 triệu người dùng.
Trước khi được biết đến với Telegram, Pavel Durov đã nổi tiếng với biệt danh “Mark Zuckerberg của Nga” khi đồng sáng lập ra VKontakte - mạng xã hội tương tự Facebook khi mới 22 tuổi. Hiện tỷ phú này đang xếp hạng 111 thế giới với khối tài sản 15,1 tỷ USD.
Năm 2012, khi đã là triệu phú, Pavel Durov đã gấp máy bay bằng các tờ tiền mệnh giá 5.000 rúp (tương đương 160 USD khi đó) rồi ném qua cửa sổ và nhìn đám đông phía dưới tranh giành nhau.
Ma Huateng (WeChat) - 32,3 tỷ USD
Ma Huateng (Mã Hóa Đằng) là ông trùm kinh doanh Trung Quốc, đồng sáng lập và hiện đốc điều hành của “ gã khổng lồ” công nghệ Tencent. Ma Huateng đang sở hữu khối tài sản 32,3 tỷ USD, xếp hạng 34 thế giới theo Forbes. Cũng theo tạp chí này, Ma Huateng xếp thứ 4 trong top 100 người giàu nhất Trung Quốc được công bố vào 9/11.
Tencent cũng là công ty đứng sau siêu ứng dụng WeChat với hơn 1 tỷ người dùng. Wechat cho phép người sử dụng nhắn tin, gọi video, chơi game, chia sẻ chuyến đi, giao đồ ăn, thanh toán ngân hàng, mua sắm… Đầu năm nay, lợi nhuận của Tencent giảm mạnh do doanh thu từ quảng cáo và trò chơi giảm. Cổ phiếu của tập đoàn này cũng giảm gần một nửa trong năm qua khiến CEO Ma Huateng bốc hơi nhiều tài sản.
Evan Spiegel (Snapchat) - 2,8 tỷ USD
Evan Spiegel là đồng sáng lập và CEO Snap – công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ hình ảnh, tin nhắn Snapchat. Với thành công của mạng xã hội này, Spiegel trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới vào năm 2015 khi mới 25 tuổi. Năm 2013, Facebook từng nỗ lực mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD nhưng đã bị Evan Spiegel khước từ. Giá trị tài sản ròng của CEO Snap hiện nay là 2,8 tỷ USD.
Theo The Verge, hoạt động kinh doanh của Snap không suôn sẻ sau đại dịch, dù mạng xã hội này có hơn 300 triệu người dùng hàng ngày. Cuối tháng 8 vừa qua, Snap đã sa thải hơn 1.200 nhân viên, chiếm 20% lực lượng lao động tại công ty này để tìm cách cắt giảm chi phí.
Ông Trump có "tự bắn vào chân" khi đặt niềm tin vào tỷ phú Elon Musk?
Tỷ phú công nghệ mất 3 tỷ USD chỉ sau 1 đêm vì scandal tình ái