Sớm triển khai thành phố hai bên sông Hồng

04-07-2023 16:00|Vi Anh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng để đạt được “kỳ tích sông Hồng” thì cần triển khai sớm quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống dựa trên nội dung đã được phê duyệt.

Mới đây, tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc tập trung hoàn thiện quy hoạch các phân khu sông Hồng nhằm thay đổi căn bản diện mạo và tạo động lực đột phá cho sự phát triển của Thủ đô.

Cùng với đó, thành phố Hà Nội cần quan tâm 6 phân khu đô thị sông Hồng để giải quyết bài toán thành phố hiện đại và xứng tầm, bao gồm việc xây dựng cầu qua sông Hồng như cầu Trần Hưng Đạo và cầu Tứ Liên.

nh-chu.p-man-hinh-2023-07-03-luc-21.02.05.png
Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc tập trung hoàn thiện quy hoạch các phân khu sông Hồng nhằm thay đổi căn bản diện mạo và tạo động lực đột phá cho sự phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường kinh doanh; siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính và công vụ, xử lý thay thế kịp thời các các bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đối với người đứng đầu.

Theo đó, Hà Nội cần tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn. Đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm nghiêm túc, đánh giá đúng về uy tín cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ.

Đối với công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, Bí thư Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố vẫn đang thực hiện và trình Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, cùng với đó hoàn thiện các quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch vùng huyện.

Trước đó, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4 năm ngoái. Dựa trên quy hoạch được phê duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có quy mô gần 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

ubnd-thanh-pho-dang-gap-rut-quy-hoach-2-bo-song-hong-2145.jpg
Trước đó, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4 năm ngoái.

Theo chia sẻ của KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt không chỉ đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của hàng ngàn cư dân sinh sống tại khu vực sông Hồng mà còn là mong đợi của toàn người dân Thủ đô.

Việc hoàn thiện quy hoạch phân khu sẽ góp phần thúc đẩy quá trình điều chỉnh xây dựng thành phố cũng như phát triển Thủ đô trở nên văn minh, hiện đại, bền vững. Đặc biệt trong tình hình các khu vực trung tâm đang khan hiếm quỹ đất như hiện nay.

Với định hướng bao gồm các khu vực dân cư hiện có ngoài bãi sông sẽ được bảo vệ như Nhật Tân - Tứ Liên (quận Tây Hồ); Khu dân cư Chu Phan - Tráng Việt (huyện Mê Linh); Tàm Xá - Xuân Canh (huyện Đông Anh); Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức (huyện Gia Lâm). Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2 (quận Hoàng Mai).

Ngoài các khu vực trên, còn có một số khu dân cư ở bãi sông thuộc các quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cũng sẽ được bảo vệ.

KTS Đào Duy Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, toàn bộ khu vực được giữ sẽ được tái thiết đô thị, cải tạo cũng như nâng cấp công trình hạ tầng xã hội, hệ thống giao thông, cây xanh… Nội dung quy hoạch này tạo điều kiện hỗ trợ nhiều hộ dân sống lâu năm ngoài khu vực bãi sông không được sửa chữa, xây mới nhà vì phải đợi quy hoạch.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Thủ đô cần đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn, đột phá và quyết liệt hơn để tạo ra những chuyển biến căn bản và kết quả cao hơn nữa nhằm cạnh tranh với các địa phương khác đang đứng đầu cả nước cũng như cạnh tranh quốc tế.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để trở thành trung tâm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế cũng như gia tăng sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Đồng thời hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là các dự án quan trọng của thành phố.

Đáng chú ý, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho biết, theo kế hoạch trong giai đoạn 2021 – 2025, Thủ đô sẽ bổ sung 5 huyện được lên quận bao gồm: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng; trước mắt là 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm. Trong đó, cả 5 huyện này đều thuộc khu vực hai bên bờ sông Hồng, điều này cho thấy vị trí sông Hồng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô.

Dòng sông ‘cõng’ nhiều cầu vượt nhất Việt Nam sẽ có thêm cầu mới trị giá 8.300 tỷ, được xây dựng dựa trên ý tưởng ‘Cánh chim hòa bình’

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến 2050

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/som-trien-khai-thanh-pho-hai-ben-song-hong-246807.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sớm triển khai thành phố hai bên sông Hồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH