'Song cầu' gần 2.000 tỷ vắt qua sông Đuống thế chỗ cho cầu quay trăm tuổi đầu tiên ở Việt Nam thi công gấp rút
Dự án cầu Đuống mới nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) với tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tốc độ để "về đích" theo đúng kế hoạch.
Được khởi công từ tháng 7/2023, Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) do Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đường sắt làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.848,62 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn một là 650,82 tỷ đồng), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Theo quy hoạch, dự án này gồm hai hạng mục là cầu là cầu đường bộ và cầu đường sắt.
Đối với hạng mục cầu đường bộ, đường dẫn có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa phận quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu (thuộc địa phận huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội).
>> Cháy lớn ở BigC Thăng Long, khách hàng bỏ chạy náo loạn
Cầu đường bộ sẽ dài 382m kết hợp dây văng, rộng 18,5m, tĩnh không dưới cầu 4,75m; đường dẫn dài 318m, vận tốc thiết kế 80km/h, 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, giai đoạn phân kỳ trước mắt quy mô 4 làn xe cơ giới.
Công trình cầu Đuống giai đoạn 2 sẽ có cầu đường sắt với 6 nhịp dầm thép và dàn thép 280m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế 80km/h; khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền 7m, giai đoạn hoàn thiện 9,5m.
Hiện trên công trường của 2 dự án cầu đường bộ và đường sắt đều đang có hàng chục công nhân và nhiều trang thiết bị máy móc tất bật thi công nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Cầu Đuống cũ được biết đến là một trong 2 cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam, được người Pháp hoàn thành vào năm 1902 (cùng với cầu Tam Bạc tại Hải Phòng).
Cầu Đuống cũ có 5 nhịp, 2 mố, 5 trụ, trụ chính đỡ nhịp cầu có thể xoay được, giúp tàu bè qua lại nhưng sau khi bị đánh phá trong chiến tranh chống Mỹ, cầu Đuống cũ đã được sửa lại và không quay được nữa.
Cây cầu cũ này hiện gây nhiều trở ngại cho tuyến đường thủy trên sông do có tĩnh không 2,8m, bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa 26m nên chỉ có tàu trọng tải 600 tấn, sà lan chở container với sức chở 24 Teu mới lưu thông qua cầu được khi nước xuống.
Sau khi hoàn thành cầu Đuống mới, cầu Đuống cũ sẽ được tháo dỡ sau hơn 1 thế kỷ án ngữ tại đây. Cây cầu mới sau khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt trên tuyến, giúp thay đổi diện mạo của quận Long Biên, giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông ở khu vực Đông Bắc của Thủ đô.
Cầu Đuống mới cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối liên vùng đô thị cũng như các tỉnh thành như Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn... nhằm "chia lửa" giao thông cho cầu Phù Đổng, cầu Thanh Trì.
>> 'Vùng trũng' BĐS phía Nam sắp được 'trợ lực' gần 3.000 tỷ đồng cho mạng lưới hạ tầng