'Vùng trũng' BĐS phía Nam sắp được 'trợ lực' gần 3.000 tỷ đồng cho mạng lưới hạ tầng
Tỉnh được xem là "vùng trũng" BĐS phía Nam sắp được phân bổ gần 2.886 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn nhằm liên kết vùng.
4 tuyến đường trọng điểm được "trợ lực"
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, trong năm 2024 địa phương này tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm phân bổ cho các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh nhằm sớm đưa các dự án này vào khai thác và sử dụng.
Trong năm 2024, tỉnh này sẽ được phân bổ khoảng 2.886 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó tập trung chủ yếu vào các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chất liên kết vùng.
1. Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM
Đây là dự án đi qua địa bàn tỉnh Long An, được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 với chiều dài 6,84km.
Điểm đầu của dự án Vành đai 3 tại ranh giới TP. HCM - Long An, điểm cuối tại nút giao giữa đường cao tốc Bến Lức - Long thành và cao tốc TP. HCM - Trung Lương, đi qua địa bàn huyện Bến Lức.
Theo dự tính, đến tháng 10/2025, đoạn Vành đai 3 đi qua địa bàn Long An sẽ được thông xe kỹ thuật và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2026.
Tuyến đường Vành đai 3 sau khi hoàn thành sẽ có chiều dài hơn 75km, kết nối Long An với TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương; đây là tuyến đường không chỉ có ý nghĩa kết nối giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn mở ra nhiều không gian mới giúp thúc đẩy phát triển logicstic, KCN cũng như các KTĐ mới.
>> Đất nền phía Nam 'trượt dài' trong tình trạng thanh khoản yếu
2. Đường tỉnh 823D cũng được đẩy nhanh tiến độ
Tuyến đường tỉnh 823D hiện cũng đang được tỉnh Long An đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành trong năm 2024. Tuyến đường này có chiều dài 14,2km; điểm đầu Km0+000 tại huyện Đức Hòa (Long An) và TP. HCM, điểm cuối Km14+274 tại nút giao vòng xoay Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa.
Dự án này do Sở GTVT tỉnh Long An làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 1.105 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động khác, được khởi công từ tháng 12/2021.
3. Tuyến đường tỉnh 830E sắp hoàn thành năm 2025
Tuyến đường này có tổng vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng đã được khởi công vào tháng 3/2023 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025; đây là tuyến đường này có chiều dài hơn 9,3km, có điểm đầu tại vị trí nút giao Bến Lức của cao tốc TP. HCM - Trung Lương (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) và điểm cuối kết nối ra đường tỉnh 830 (xã Long Định, huyện Cần Đước).
4. Đường Lương Hòa - Bình Chánh sẽ hoàn thành trong năm 2025
Tuyến đường Lương Hòa - Bình Chánh đoạn qua được xem là trục động lực thúc đẩy tỉnh phát triển, kết nối nhanh đến TP. HCM cũng như nhiều khu vực.
Tuyến đường này sau khi hoàn thành đầu nối sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Bến Lức đến TP. HCM còn 5 phút, kết nối với đại lộ Võ Văn Kiệt trong 15 phút.
Trong tương lai, tuyến đường giúp rút ngắn việc di chuyển nhanh vào loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia như Vành đai 3 TP. HCM.
Việc liên tục có những dự án đầu tư hạ tầng giúp thị trường BĐS Long An gần đây cũng có nhiều diễn biến mới về nguồn cung lẫn sức cầu.
Tháng 6/2024 ghi nhận mức tăng về nhu cầu tìm thuê BĐS tại khu vực Long An, Bến Lức... với mức tăng lần lượt 10%, 15%.
Tiếp tục thu hút đầu tư 27 dự án hạ tầng CCN
Sở Công Thương tỉnh Long An mới đây đã công bố thông tin quy hoạch các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030 nhằm thu hút đầu tư.
Cụ thể, Long An sẽ quy hoạch và thu hút đầu tư đối với danh mục gồm 27 dự án hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn; đây được xem là dự án cụm công nghiệp được thành lập mới được phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Việc thu hút đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn nhằm hiện thực hóa Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời tạo thêm quỹ đầu tư để thu hút đầu tư vào tỉnh.
Theo như quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh Long An sẽ có 51 KCN với diện tích gần 12.500ha, đồng thời tỉnh này cũng sẽ quy hoạch mới 28 CCN với tổng diện tích hơn 1.800ha.
Nhờ việc thu hút này mà Long An sẽ trở thành địa phương thứ 2 (sau Bình Dương) cả nước về diện tích các KCN, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.
Tỉnh Long An sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Long An là một tỉnh thuộc ĐBSCL, nằm ngay "sát vách" TP. HCM và được xem là "cửa ngõ" kết nối 2 Vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ.
Vài năm trở lại đây, thị trường BĐS tại Long An được đánh giá là "vùng trũng" so với các tỉnh thành lân cận như TP. HCM, Bình Dương... nhờ mức giá đầu tư "ít ảo", hợp lý.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhà đất của tỉnh Long An luôn khiến nhiều người cảm thấy "dễ thở" là do khu vực này nhiều năm luôn đánh trúng vào nhu cầu của nhóm mua thực cũng như các nhà đầu tư với mức giá vừa phải.
>> 'Siêu' dự án điện khí gần 12 tỷ USD ở thềm lục địa Việt Nam sắp được 'rót' 28.800 tỷ đồng