Thị trường chứng khoán tiếp tục trong xu hướng tăng và chính thức vượt 1.500 điểm trong phiên 25/11 với mức tăng 11.94 điểm. Theo ghi nhận, dòng tiền sau khi rút khỏi cổ phiếu đầu cơ hiện đã thì quay về nhóm cổ phiếu cơ bản. Sự kiện đáng nhớ này của thị trường chứng khoán ghi dấu ấn bằng nỗ lực tăng giá từ cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, ngân hàng.
Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thời gian trầm lắng. Nhiều cổ phiếu ngân hàng trong phiên này bắt đầu bật tăng trên 4% gồm OCB, MBB, STB, EIB, TCB, CTG, ACB, LPB,...
Nhận định về xu hướng sắp tới, chuyên gia Chứng khoán HSC cho biết, hiện thanh khoản nhóm ngân hàng đã tăng mạnh trở lại. Theo ghi nhận, thanh khoản của STB vọt lên 67 triệu cổ phiếu, TCB thanh khoản 51 triệu cổ phiếu… Như vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng dù đã thiết lập được nền giá khá cao (theo kỹ thuật).
Dự báo thị trường chứng khoán nói chung, VN-Index theo chuyên gia sẽ tiếp tục xu hướng tăng và đến mốc 1.550 điểm trong đó dòng tiền có sự chuyển hướng dần sang nhóm vốn hóa lớn mà ưu tiên là nhóm VN30, ngân hàng, chứng khoán.
"Riêng ngân hàng, sóng này có thể tiếp tục kéo dài đến cuối năm, bên cạnh các nhóm bán lẻ khi nền kinh tế dần hồi phục", chuyên gia HSC cho hay. Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý nhà đầu tư tại nhóm ngân hàng nên cảnh giác dòng tiền đầu cơ nếu thị giá các mã ngân hàng có dấu hiệu tăng mạnh.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đạt mức 7,42% trong đó làn sóng dịch bệnh bắt đầu từ tháng 5/2021 đang ảnh hưởng không nhỏ đến TP. HCM và các tỉnh miền Nam, nơi đóng góp gần 50% GDP cho cả nước. Tín dụng trong qúy III/2021 theo đó chỉ đạt mức tăng trưởng 1,0% so với quý II/2021.
Hiện tại, việc mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng sống chung cùng COVID-19 sẽ giúp phục hồi nhu cầu tín dụng trong quý IV/2021, báo cáo từ BSC cho hay. Đơn vị này cho rằng, việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.
Trong năm 2022, dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao ~13% được hỗ trợ bởi tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2 - 3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
BSC dự báo, NIM trong năm 2022 sẽ tăng 35 bps so với năm 2021 do sự phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm SME và cá nhân với NIM cao; lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ (ước tính hết năm 2021); tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 26/11, thị trường chứng khoán ghi nhận sắc đỏ bao trùm nhóm mã ngành ngân hàng trong đó chỉ có 5 mã tăng, 1 giá tham chiếu, còn lại các mã giảm.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới đầu tư, lực kéo ngân hàng luôn hút rất nhiều tiền nên các nhịp đan xen nghỉ ngơi cho nhóm này xuất hiện không có gì là tiêu cực.
Không những vậy, giới đầu tư đang chờ đợi nhịp bùng nổ tiếp theo dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi đang hỗ trợ nhóm ngành này. Đáng chú ý là thông tin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) quý IV cho các ngân hàng thương mại.
Trong số đó, room tín dụng của một số ngân hàng cổ phần như VIB nâng lên 20%; MSB 25%; TPB 25%; TCB 25%; VPB 17,1%... Tiếp đó, LPB được nâng room 20%; HDB là 20%; OCB 20%. Riêng nhóm ngân hàng có vốn hoá Nhà nước như CTG nâng lên 11,5%; VCB 14% và BID là 11,5%.
“Việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị nới room tín dụng cho một số ngân hàng có thể giúp ngân hàng tận dụng cơ hội kinh doanh trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sắp đến khi nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao”, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô CTCP Chứng khoán MB (MBS).
Nhận định chứng khoán 12/12: Thận trọng VN-Index điều chỉnh
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?