"Sóng" M&A ngân hàng sôi động trở lại đầu năm 2023

07-02-2023 10:27|Hương Mai

Hàng loạt các ngân hàng như Vietcombank, VPBank, PG Bank đều tấp nập lên kế hoạch cho các thương vụ M&A đầu năm 2023.

Đầu năm 2023, "làn sóng" mua bán sáp nhập của các ngân hàng Việt sôi động trở lại. Từ các "ông lớn" như Vietcombank, VPBank đến nhà băng nhỏ như PG Bank đều tấp nập lên kế hoạch cho các thương vụ M&A.

Theo đó, vừa qua, HĐQT Tập đoàn Petrolimex đã thông qua phương án thoái vốn (chuyển nhượng vốn) đầu tư tại PG Bank. Petrolimex sẽ thoái vốn theo hình thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Mức giá khởi điểm sẽ lấy giá cao nhất một trong hai mức giá sau: giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo phương pháp tài sản (21.300 đồng/cổ phần) hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu PGB trên sàn chứng khoán UPCoM trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn.

Việc thoái vốn của Petrolimex giúp PG Bank có cơ hội tìm kiếm nhóm cổ đông chiến lược mới có tiềm lực để tăng vốn sau 12 năm đứng im. Hiện PG Bank là ngân hàng có vốn điều lệ và tổng tài sản thấp nhất hệ thống.

Trước đó, giữa tháng 1/2023, cổ đông lớn SMBC của Eximbank cũng chính thức thông báo đã bán xong 132,8 triệu cổ phiếu EIB vào ngày 13/1/2023. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng này.

Sau khi thoái vốn khỏi Eximbank, SMBC được đồn đoán sẽ bắt tay với VPBank để trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này. Được biết, theo kế hoạch, năm 2022, VPBank sẽ hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài, tuy nhiên, do tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, thương vụ này đã chậm lại.

Trao đổi với nhà đầu tư mới đây, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc VPBank cho biết, quá trình làm việc với đối tác vẫn đang diễn ra tốt đẹp, song lộ trình bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chậm hơn dự kiến.

Nếu hoàn tất thương vụ này, nhiều khả năng, VPBank sẽ vươn lên trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất nhì hệ thống. Trước đó, SMBC cũng đã từng giúp VPBank vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam nhờ thương vụ mua lại 49% vốn FE Credit.

Có thể thấy, các thương vụ M&A là cơ hội để các nhà băng tăng vốn, tuy nhiên, cơ hội để M&A ngân hàng trên thị trường không nhiều và đây cũng là lý do nhiều ngân hàng lớn lựa chọn hình thức nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Theo đó, đầu năm 2023, đã có 3 ngân hàng được ĐHĐCĐ xem xét phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, bao gồm Vietcombank, HDBank và MB.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 4/2022 của Vietcombank, năm 2022, ngân hàng này đã trích lập dự phòng rủi ro gần 11.000 tỷ đồng cho khoản tiền gửi và cho vay tại một ngân hàng khác. Đây có thể là động thái chuẩn bị của Vietcombank trong lộ trình nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.

Bị cưỡng chế thuế 787 tỷ đồng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn chỉ còn 70 tỷ đồng tiền mặt và gửi ngân hàng

Để người mặc áo có túi vào kho tiền, ngân hàng bị thanh tra nhắc nhở

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/song-ma-ngan-hang-soi-dong-tro-lai-dau-nam-2023-168211.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Sóng" M&A ngân hàng sôi động trở lại đầu năm 2023
    POWERED BY ONECMS & INTECH