'Sóng thần' đầu tư FDI từ Trung Quốc càn quét khắp thế giới
Trung Quốc tiếp tục lập kỷ lục về đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch. Đây là xu hướng của các công ty Trung Quốc nhằm mở rộng sản xuất ở nước ngoài để tránh thuế quan từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại và Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của nước này đạt 789,45 tỷ NDT (khoảng 112,5 tỷ USD), tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2023, con số này đạt 1,04 nghìn tỷ NDT, tăng 6% so với năm trước đó.
Theo Climate Energy Finance (CEF), một công ty nghiên cứu ở Sydney, Trung Quốc đã cam kết đầu tư 109,2 tỷ USD vào 130 dự án công nghệ sạch trên toàn cầu từ đầu năm 2023. CEF gọi đây là "cơn sóng thần" đầu tư từ Trung Quốc vào các dự án năng lượng tái tạo và điện hóa giao thông ở các nước khác.
Chiến lược này nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế nội địa, giảm phụ thuộc vào bất động sản và cơ sở hạ tầng. Tim Buckley, giám đốc CEF, nhận định Trung Quốc không chỉ xuất khẩu công suất sản xuất dư thừa mà còn xuất khẩu cả công nghệ, kỹ thuật, chuỗi cung ứng, và vốn đầu tư.
đầu tư40 dự án lớn nhất của Trung Quốc kể từ đầu năm 2023 đến nay tập trung vào các lĩnh vực như ô tô điện, pin xe, thủy điện, điện gió, điện mặt trời và hệ thống lưu trữ pin. Sự mở rộng này đang khiến Mỹ và EU lo ngại về khả năng thống trị chuỗi cung ứng công nghệ năng lượng sạch của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Washington và Brussels đã cáo buộc chính sách công nghiệp của Trung Quốc vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, tạo lợi thế không công bằng cho các công ty trong nước.
Mỹ thậm chí đã đe dọa cấm nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc, trong khi EU sẽ bỏ phiếu về việc tăng thuế quan lên tới 50% đối với ô tô điện Trung Quốc. Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng bị cáo buộc mở rộng ra nước ngoài để né tránh thuế quan.
CEF nhận định dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đang tạo ra các trung tâm công nghiệp mới ở Thái Lan, Indonesia, Brazil, Hungary và Morocco. Theo số liệu của Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc, trong năm 2023, Trung Quốc chiếm khoảng 11% tổng vốn đầu tư toàn cầu, trong khi dòng vốn FDI toàn cầu giảm 2%.
Oxford Economics, một công ty nghiên cứu kinh tế, cũng ghi nhận sự thay đổi cơ cấu trong dòng vốn FDI của Trung Quốc, với trọng tâm chuyển từ các nước phương Tây sang châu Á và tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Nhà kinh tế Betty Wang của Oxford Economics nhận định rằng, vốn FDI từ Trung Quốc đang tăng mạnh và ngang tầm với các nhà đầu tư lớn toàn cầu như Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, số liệu thống kê FDI của Trung Quốc thường không nhất quán do sự khác biệt trong báo cáo của các cơ quan chính phủ. Dù vậy, xu hướng chung là đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh, phù hợp với những đánh giá từ giới phân tích.
Theo ước tính của FDI Intelligence, trong năm 2023, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 162,7 tỷ USD ra nước ngoài, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu này được ghi nhận cách đây 20 năm. Dòng vốn FDI vào Trung Quốc cũng giảm mạnh do căng thẳng với Mỹ và châu Âu cùng lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhà phân tích Xuyang Dong của CEF cho biết sự gia tăng FDI từ Trung Quốc trùng hợp với đà giảm mạnh giá sản phẩm công nghệ sạch sau nhiều năm các công ty nước này mở rộng quy mô sản xuất trong nước. Giá mô-đun năng lượng mặt trời và pin ở Trung Quốc đã giảm một nửa trong năm nay.
>> Kinh tế Trung Quốc sẵn sàng đón 'cơn mưa vàng' 1.400 tỷ USD