Ngày 23/5/2022, chuỗi đồ uống nổi tiếng Starbucks đã quyết định đóng 130 cửa hàng, rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Nga.
Theo South China Morning Post, Starbucks đang rút khỏi thị trường Nga, theo tờ South China Morning Post. Trong một bản ghi nhớ với nhân viên được gửi đi vào ngày 23/5, gã khổng lồ ngành cà phê có trụ sở tại Seattle cho biết họ đã quyết định đóng 130 cửa hàng và không còn sự hiện diện của thương hiệu ở Nga.
Phía Starbucks cho biết, họ sẽ tiếp tục trả lương cho gần 2.000 nhân viên Nga trong 6 tháng và giúp những người này tìm kiếm công việc mới.
Động thái mới nhất của Starbucks diễn ra sau khi chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ McDonald’s quyết định rút lui khỏi thị trường Nga vào tuần trước. McDonald’s đang rao bán các cửa hàng của mình, hầu như tất cả đều thuộc sở hữu của công ty cho một đơn vị nhượng quyền hiện có của Nga. Các cửa hàng sẽ không được phép sử dụng tên hoặc thực đơn của McDonald’s.
Các cửa hàng của Starbucks tại Nga do Tập đoàn Alshaya, một nhà điều hành nhượng quyền có trụ sở tại Kuwait sở hữu và điều hành. Người phát ngôn của Alshaya hiện chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này.
Starbucks bắt đầu tiến vào thị trường Nga từ năm 2007. Vào đầu tháng 3, sau khi Nga mở “chiến dịch đặc biệt” tại Ukraine, phía Starbucks tuyên bố sẽ giữ nguyên các cửa hàng ở Nga, nhưng sẽ quyên góp tất cả khoản lợi nhuận cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo ở Ukraine.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, sau khi Coca-Cola, PepsiCo, McDonald’s và hàng loạt công ty khác tạm ngừng kinh doanh tại Nga, phía Starbucks cũng đã thay đổi hướng đi và tạm thời đóng cửa các cửa hàng ở Nga.
“Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến trong thời gian tới. Phía Starbucks chắc chắn sẽ tiếp tục đưa ra các quyết định đúng với sứ mệnh và giá trị của mình một cách công khai và minh bạch”, CEO Kevin Johnson của Starbucks Corp đã viết trong một thông điệp gửi tới nhân viên.
Hồi đầu tháng 3, Giám đốc điều hành Starbucks Kevin Johnson đã lên án các cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine. Thời điểm đó, công ty cũng khẳng định vẫn sẽ trả lương cho các nhân sự đang làm việc tại các cửa hàng Starbucks tại xứ sở Bạch Dương.
Trong thời gian gần đây, Pepsi, Coke, McDonald's và Starbucks đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích và tẩy chay vì quyết định tiếp tục hoạt động ở Nga trong khi các công ty khác của Mỹ tuyên bố ngừng kinh doanh tại quốc gia này.
Theo CNBC, Coca cho biết hoạt động kinh doanh của họ ở Ukraine và Nga đóng góp khoảng 1% đến 2% tổng doanh thu hoạt động ròng và doanh thu hợp nhất của họ vào năm 2021.
Ở phía bên kia, Pepsi tạo ra khoảng 4% doanh thu hàng năm ở Nga. Tính đến đầu tháng 3, Pepsi vẫn chưa tạm dừng tất cả hoạt động kinh doanh ở xứ sở Bạch Dương. Công ty cho biết họ sẽ tiếp tục bán một số sản phẩm thiết yếu, như sữa bột, sữa và thức ăn cho trẻ em. Công ty chỉ tạm ngưng kinh doanh các sản phẩm đồ uống có gas, dừng các khoản đầu tư và tất cả các hoạt động quảng cáo, khuyến mại tại Nga.
Giáo sư Jeffrey Sonnenfeld của Đại học Yale đã bắt đầu biên soạn một danh sách các công ty rút lui và vẫn còn hoạt động ở Nga vài ngày sau khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến quân vào lãnh thổ Ukraine. Theo danh sách của Giáo sư Sonnenfeld, đã có 280 các công ty đã tuyên bố rút khỏi Nga kể từ đó cho đến thời điểm đầu tháng 3.
Từ Apple đến Starbucks đều lao đao, Trung Quốc không còn là 'mỏ vàng' của các ông lớn phương Tây
Cựu CEO Starbucks Việt Nam đầu quân cho Tập đoàn Masan (MSN), thử sức với ‘đế chế’ Phúc Long