Sửa đổi Luật Điện lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Sau khi được thông qua, Luật Điện lực sửa đổi được kỳ vọng sẽ giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện hành.
Sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng Luật Điện lực hiện hành vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa đáp ứng được thực tiễn. Trong Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) đã đặt ra mục tiêu rất lớn về nguồn và lưới điện với nguồn vốn cần huy động rất lớn. Việc hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá về cơ chế mà Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ đưa ra tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội lần này.
Theo dự báo giai đoạn từ nay đến 2030 nhu cầu điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Trong đó, các nguồn điện mới cần đầu tư và đưa vào vận hành là rất lớn ở tất cả các loại hình điện. Nhưng có rất nhiều thách thức để đưa các nguồn điện mới vào đúng tiến độ khi thời gian không còn nhiều, cùng với đó là thách thức về nguồn vốn đầu tư. Hiện việc triển khai các dự án nguồn điện mới như điện khí hóa lỏng LNG, các dự án điện gió ngoài khơi… đang gặp nhiều khó khăn trong đó đặc biệt là khó khăn về cơ chế.
Năng lượng tái tạo theo quy hoạch sẽ trở thành nguồn điện chính trong giai đoạn phát triển tới. Vì vậy, một trong những điểm đột phá của Dự thảo Luật Điện lực lần này là có một chương mới quy định về năng lượng tái tạo, trong đó có một mục riêng về điện gió ngoài khơi.
Ông Dư Văn Toán - Chuyên gia Năng lượng nêu ý kiến: "Nên có bộ luật pháp lý cho cụ thể hơn mới đảm bảo nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư yên tâm đầu tư trong giai đoạn 20 - 30 năm, nếu chỉ có tầm nhìn ngắn hạn thì khó để điện gió ngoài khơi phát triển".
Theo dự báo giai đoạn từ nay đến 2030 nhu cầu điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Ảnh minh họa.
Đầu kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo trước Quốc hội về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi. Theo đó, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng. Đồng thời, khắc phục được những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết: "Việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Sau khi được thông qua, Luật Điện lực sửa đổi được kỳ vọng sẽ giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện hành như nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước như: về quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và chính sách giá điện để đảm bảo việc tính đúng, tính đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực.
>>Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)