Sức nóng từ ĐHCĐ Eximbank: Một thành viên ứng cử HĐQT xin tự rút ngay tại đại hội
Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào sáng ngày 18/09/2023.
Sáng ngày 18/09/2023, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, Mã: EIB) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Tính đến 8h18p, có 206 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 1 tỷ cổ phần, chiếm 71,28% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Chủ tịch HĐQT Eximbank Đỗ Hà Phương phát biểu đầu Đại hội, thời gian qua HĐQT Eximbank đã kịp thời chỉ đạo Ban điều hành kịp thời chia cổ tức cho cổ đông. Đến nay các hồ sơ thực hiện chia cổ tức đã hoàn tất, sẽ kịp thời chia cổ tức cho cổ đông khi hoàn thiện các thủ tục cuối cùng.
Vì lý do cá nhân, 2 thành viên HĐQT xin từ nhiệm (ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng), do đó HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường nhằm bầu bổ sung 2 thành viên.
Theo đó, danh sách nhân sự ứng cử bổ sung vào HĐQT Eximbank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận gồm ông Trần Tấn Lộc (đang là TGĐ EIB), ông Nguyễn Cảnh Anh và ông Võ Văn Dũng.
Tuy nhiên, ngay tại Đại hội, ông Võ Văn Dũng - người nộp hồ sơ ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) xin rút khỏi danh sách ứng cử. Như vậy, danh sách bầu bổ sung thành viên HĐQT chỉ còn ông Trần Tấn Lộc và ông Nguyễn Cảnh Anh.
Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ VII của Eximbank đã đủ 7 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT Đỗ Hà Phương, bà Lương Thị Cẩm Tú (Thành viên HĐQT), bà Lê Thị Mai Loan (Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc), ông Phạm Quang Dũng (Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc), ông Trần Anh Thắng (Thành viên HĐQT độc lập) và 2 thành viên mới được bầu bổ sung là ông Trần Tấn Lộc và ông Nguyễn Cảnh Anh.
Hiện tại, HĐQT của Eximbank đang định hướng lại chiến lược kinh doanh, thống nhất đồng lòng cùng nhau quản trị để đưa Eximbank trở lại Top 10 Ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, đảm bảo mục tiêu xây dựng nhà băng này trên nền tảng minh bạch, an toàn với tư duy đổi mới hệ thống.
Trong năm 2023, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng (tăng 35% so với năm 2022); dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trên 16.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nhóm 3 - nhóm 5) tối đa 1,6%; tổng tài sản chạm mốc 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5%.