Chỉ số HNX-Index tuần qua đã ghi nhận đà giảm mạnh 57,59 điểm - tương ứng 13,82% qua đó tuột mốc 400 điểm (về còn hơn 359 điểm).
Sau tuần trước không mấy tích cực, thị trường chứng khoán bước vào tuần giao dịch 18 - 22/4/2022 với tâm lý bi quan chi phối thị trường. VN-Index chìm sâu trong sắc đỏ 4/5 phiên và phải đợi tới phiên cuối tuần mới giành lại được sắc xanh nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu trụ.
Tính chung, chuỗi 6 phiên giảm liên tục từ cuối tuần trước sang đến gần cuối tuần này đã lấy đi hơn 100 điểm của chỉ số sàn HOSE.
Kết tuần, VN-Index giảm 79,33 điểm (5,44%) và UPCoM-Index giảm 7,3% xuống 104,15 điểm.
Đáng nói, chỉ số HNX-Index tuần qua đã ghi nhận đà giảm mạnh 57,59 điểm - tương ứng 13,82% qua đó tuột mốc 400 điểm (về còn hơn 359 điểm). Nếu tính từ thời điểm kết quý I/2022, chỉ số này hiện đã giảm 20% điểm số.
Đóng góp đáng kể cho sự giảm điểm của chỉ số đến từ loạt cổ phiếu trụ rổ HNX30 trong đó CEO giảm từ vùng giá trên 5x.000 đồng về còn 38.xxx đồng; PVS giảm từ vùng 30.xxx đồng về còn 23.xxx đồng; SHS giảm từ 24.000 đồng vầ còn 20.xxx đồng;...
Cá biệt là trường hợp của 2 mã "đắt đỏ" L14 và THD trong đó cổ phiếu L14 mất hơn 40.000 đồng thị giá về còn 199.xxx đồng. Tính chung từ đỉnh 44x.000 đồng hồi giữa tháng 1/2022, cổ phiếu này đã giảm hơn 250.000 đồng thị giá đến thời điểm hiện tại.
Với THD của Thaiholdings, tuần qua, cổ phiếu này mất hơn 40.000 đồng thị giá - tương ứng giảm gần 26% về còn 118.000 đồng. Nếu tính từ đỉnh 277.000 đồng hồi cuối năm 2021, mã này hiện đã mất hơn 57% giá trị chỉ sau gần 4 tháng.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố báo cáo tổng kết thị trường niêm yết trong quý I/2022 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Theo báo cáo, chỉ số HNX-Index có xu hướng tăng nhẹ trở lại vào cuối quý sau khi giảm khá mạnh vào thời điểm cuối tháng 1/2022, đóng cửa tại mức 449,62 điểm - tăng 7,8% so với phiên đóng cửa đầu năm.
Tại phiên giao dịch cuối quý I/2022, các chỉ số ngành đều tăng điểm so với đầu quý trong đó ngành xây dựng có mức tăng nhiều nhất 90,93 điểm (tương ứng 17,96%) đạt 597,16 điểm; ngành tài chính tăng 7,65 điểm (0,78%) đạt 984,98 điểm và chỉ số ngành Công nghiệp tăng 19,16 điểm (5,68%) đạt 356,66 điểm.
Các chỉ số quy mô đều tăng điểm, chỉ số LargeCap dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn tăng 41,12 điểm (8,94%) đạt 500,88 điểm tại thời điểm cuối quý I/2022, chỉ số Mid/SmallCap dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 52,80 điểm (4,67%) đạt 1.182,30 điểm.
Về thanh khoản thị trường, khối lượng giao dịch bình quân quý I/2022 đạt 112 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 3,7 nghìn tỷ đồng/phiên - giảm 20% và 10,28% so với quý IV/2021.
Giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX30 trong quý I/2022 có sự tăng trưởng 54% tính từ đầu tới cuối quý với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 2.833 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 121,07 nghìn tỷ đồng - chiếm tỷ trọng 43,97% khối lượng giao dịch và 64,46% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Về biến động giá cổ phiếu, cổ phiếu VLA của CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang có mức tăng giá mạnh nhất là 191,33% (tương đương tăng 57.400 đồng) lên 87.400 đồng; cổ phiếu PBP của CTCP Bao bì dầu khí Việt Nam với mức tăng 165,82% (tương ứng 26.200 đồng thị giá) lên 42.000 đồng.
Về khối lượng giao dịch, trong quý I/2022 cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam dẫn đầu với thị phần 9,87% - tương đương hơn 646 triệu cổ phiếu được giao dịch; cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS với thị phần là 7,26% tương đương hơn 475 triệu cổ phiếu được giao dịch; cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O với thị phần chiếm 6% tương đương với 392 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Trong quý I/2022, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 1,52% toàn thị trường và ghi nhận mua ròng 164 tỷ đồng.
Nhận định chứng khoán 12/12: Thận trọng VN-Index điều chỉnh
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?