Tại sao chưa triển khai 300 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi du lịch sau Covid-19?
Chiều 5/6, tham gia chất vấn nhóm vấn đề lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về nguyên nhân chưa triển khai kinh phí 300 tỷ đồng để hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi sau Covid-19.
Tiền hỗ trợ phục hồi du lịch sau Covid-19 đang nằm trong ngân hàng?
Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng về nguyên nhân chưa triển khai kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch?
Theo đại biểu Trần Chí Cường, sau đại dịch Covid-19, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển bằng chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã bố trí ngân sách cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Nguồn lực là 300 tỷ đồng để hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi.
Tuy nhiên, đến nay, số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng, số tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý Quỹ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí này cũng như có biện pháp như nào để khắc phục tình trạng trên?
“Vậy nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí này và biện pháp để khắc phục tình trạng trên là gì?” - đại biểu Trần Chí Cường chất vấn.
Xem xét đưa quỹ vào hoạt động phục vụ tốt hơn về quảng bá du lịch
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, 300 tỷ đồng này không phải là quỹ hỗ trợ phát triển mà theo Luật Du lịch là vốn điều lệ, được bảo tồn phát triển theo cách gửi ở ngân hàng. Trong đó, phần lãi đưa ra chi phí cho tổ chức bộ máy, phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp theo tỷ lệ % đóng góp của ngành du lịch thông qua phí, vé...
150 tỷ đồng hiện được gửi ngân hàng để bảo tồn nguồn vốn, lãi rút ra chi cho công tác hành chính của bộ máy. Số tiền 150 tỷ đồng còn lại vẫn đang được gửi ở Kho bạc Nhà nước.
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất mới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết quỹ hỗ trợ du lịch này hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập nên không tránh khỏi những vướng mắc. Thời gian tới, Bộ sẽ quyết liệt sắp xếp lại bộ máy, nếu cần thiết sẽ đánh giá tác động và có báo cáo cụ thể để xem xét sửa đổi, đưa quỹ này vào hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn về quảng bá du lịch.
Cải thiện các chỉ tiêu để lượng khách du lịch tăng lên
Liên quan câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP Cần Thơ) về giải pháp nâng cao chỉ số xếp hạng về du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, liên quan đến kết quả đánh giá xếp loại của Diễn đàn Kinh tế thế giới được công bố năm 2024, đây là đánh giá có giá trị để xem xét điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc thu thập các số liệu đó vào năm 2022, nước ta mới thoát khỏi đại dịch Covid-19 nên số liệu tại thời điểm đó chưa thể như bây giờ. Theo đó, nước ta được xếp hạng là 3,96 điểm, xếp hạng thứ 59/119 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khối Asean và xếp sau Thái Lan.
Vì vậy, để nâng cao các thứ hạng này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề xuất giải pháp cần nâng cao sức cạnh tranh về giá, đảm bảo an toàn an ninh, còn các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, duy trì vệ sinh, bền vững về môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa, tác động kinh tế - xã hội đến du lịch… thì Bộ cũng đã đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo việc tập trung cải thiện.
Do đó để làm được việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị chính quyền địa phương cũng cần tập trung, đồng thời mong muốn quan tâm thêm đến các chỉ số này để tạo sự đồng bộ, cải thiện các chỉ tiêu để lượng khách du lịch tăng lên. Cách làm cần thận trọng, chắc chắn và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời cơ bản đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Việt Nam đón gần 7,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024
Lập khu thương mại tự do quy tụ nhà đầu tư lớn, hút khách du lịch đến tiêu tiền