Tài chính Ngân hàng

Tại sao MB chơi nước cờ đôi: Vừa phát hành mới, vừa thu gom cổ phiếu cũ?

Khương Lê 27/04/2025 13:31

Vừa đề xuất tăng vốn điều lệ hơn 33%, vừa trình phương án mua lại cổ phiếu quỹ, ngân hàng MB khiến cổ đông "bán tín bán nghi". Đây cũng là nhà băng đầu tiên chủ động dựng "lá chắn" bảo vệ giá trị doanh nghiệp và quyền lợi nhà đầu tư, sau cú sốc giá cổ phiếu lao dốc vì những biến động khó lường từ thế giới như sự kiện thuế quan hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Mâu thuẫn giảm vốn điều lệ trong khi cần tăng vốn?

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, mã MBB), một trong những nội dung gây chú ý lớn chính là đề xuất mua lại cổ phiếu quỹ trong bối cảnh ngân hàng đang lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ.

Trong quá khứ, việc mua lại cổ phiếu quỹ vốn là công cụ tài chính không xa lạ với các nhà băng nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu, ổn định thị trường và phục vụ mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, từ khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, việc mua lại cổ phiếu quỹ phải đi kèm với yêu cầu bắt buộc hủy cổ phiếu đã mua, đồng thời giảm vốn điều lệ. Điều này buộc các ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn do nhu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng các hệ số an toàn vốn hiện nay là vô cùng cấp thiết.

Mâu thuẫn này đã được một cổ đông MB nêu thẳng thắn tại ĐHCĐ thường niên tổ chức ngày 26/4 vừa qua: "Tại sao ngân hàng vừa tăng vốn, vừa đề nghị mua lại cổ phiếu quỹ, hai việc ngược chiều nhau?".

Tại sao MB chơi nước cờ đôi: Vừa phát hành mới, vừa thu gom cổ phiếu cũ?
ĐHĐCĐ thường niên 2025 MB diễn ra vào ngày 26/4/2025. Ảnh: moitruong.net.vn

Theo phương án trình cổ đông, MB dự kiến tăng vốn điều lệ hơn 33% (từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng) thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu mới, đồng thời mua lại khoảng 100 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm khoảng 1,6% vốn điều lệ.

Chúng ta dự trù trong tình huống xấu có vấn đề xảy ra giống như giai đoạn chúng ta vừa chịu đựng khi Mỹ công bố chính sách thuế chẳng hạn”, Chủ tịch HĐQT MB - ông Lưu Trung Thái giải thích và cho biết thêm, mua lại cổ phiếu quỹ là một biện pháp, một công cụ hỗ trợ cho thị trường, giúp ổn định thanh khoản và tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong giai đoạn biến động.

Đây là việc mà chúng ta đã từng làm trong quá khứ và đã rất thành công”, ông Thái dẫn chứng.

Hoạt động này được MB đánh giá là không ảnh hưởng nhiều đến hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng nhưng lại cung cấp một công cụ quan trọng trong giai đoạn có quá nhiều biến động hiện nay.

Như vậy, có thể thấy hai nội dung nổi bật trong phương án mua cổ phiếu quỹ của MB lần này.

Thứ nhất, việc mua lại cổ phiếu quỹ, tuy có làm giảm vốn điều lệ nhưng về cơ bản không ảnh hưởng lớn đến vốn tự có cấp 1 hay hệ số CAR của MB. So với mức trình tăng vốn điều lệ lên tới hơn 33%, mức giảm này không đáng kể.

Thứ hai,động thái này nhằm đưa phương án dự phòng nhằm tăng tính chủ động của ngân hàng để đối phó với “tình huống xấu”, trong “giai đoạn có quá nhiều biến động” như hiện nay, khiến giá cổ phiếu không tuân theo vận động thị trường thông thường.

Trước đó, ngày 3/4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận cú sốc lớn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Áp lực bán tháo lan rộng trên toàn thị trường, khiến VN-Index giảm 88 điểm, tương đương 6,68%, xuống mức 1.229,84 điểm. Đây là mức giảm điểm lớn nhất trong một phiên kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động năm 2000

Cổ phiếu MBB chịu ảnh hưởng nặng nề, giảm từ 24.600 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 01/4) xuống còn 20.650 đồng/cổ phiếu vào phiên 9/4, mất 16% giá trị. Tính chung trong chưa đầy 10 ngày, vốn hóa thị trường của MBBank "bốc hơi" gần 25.000 tỷ đồng.

Tại sao MB chơi nước cờ đôi: Vừa phát hành mới, vừa thu gom cổ phiếu cũ?
Chủ tịch HĐQT MB - ông Lưu Trung Thái. Ảnh: moitruong.net.vn

Các ngân hàng mua lại cổ phiếu quỹ như thế nào?

Trong quá khứ, MB từng mua vào 47 triệu cổ phiếu với giá bình quân khoảng 22.000 đồng/cp, tổng giá trị hơn 1.035 tỷ đồng vào năm 2019. Sau khi mua lại, tháng 3/2020, MB bán ra gần 21,44 triệu cổ phiếu quỹ với giá 26.730 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 573 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 25,6 triệu cổ phiếu được chia miễn phí cho cổ đông hiện hữu vào cuối năm 2020, tương đương tỷ lệ khoảng 0,924%.

Các ngân hàng khác như TCB và VPB cũng từng mua lại cổ phiếu quỹ để giải quyết những nhu cầu chiến lược. TCB thực hiện chào mua công khai cổ phần từ cổ đông hiện hữu để làm cổ phiếu quỹ vào năm 2017. Động thái này nhằm hỗ trợ cổ đông thu hồi vốn sau 6 năm không chia cổ tức và tạo điều kiện cho HSBC thoái vốn.

Với VPBank, ngân hàng này đã mua lại 73.219.600 cổ phần ưu đãi cổ tức vào tháng 7/2018, với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng để làm cổ phiếu quỹ. Số cổ phần này từng được VPBank phát hành 3 năm trước đó với mức giá 27.584 đồng mỗi cổ phiếu.

Nhìn chung, các giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ trong quá khứ đều đem lại lợi ích trực tiếp cho cổ đông của ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, hoạt động mua cổ phiếu quỹ ở các ngân hàng gần như không còn ghi nhận, do yêu cầu giảm vốn điều lệ sau khi mua lại.

Tại sao MB chơi nước cờ đôi: Vừa phát hành mới, vừa thu gom cổ phiếu cũ?
Ảnh: Báo cáo thường niên MBB 2024

Quay lại với câu chuyện mua cổ phiếu quỹ của MB, cổ đông lớn nhất của nhà băng hiện nay là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) với tỷ lệ sở hữu theo báo cáo gần nhất là 14,7%.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, khi một công ty sở hữu từ 20% đến dưới 50% vốn điều lệ của một doanh nghiệp khác, khoản đầu tư này thường được phân loại là đầu tư vào công ty liên kết và được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu hiện tại của Viettel tại MB dưới 20%, khoản đầu tư này có thể được ghi nhận là đầu tư tài chính dài hạn và hạch toán theo phương pháp giá gốc hoặc giá trị hợp lý, tùy thuộc vào mục đích đầu tư và chính sách kế toán của Viettel.

Như vậy, việc ổn định giá cổ phiếu MBB không chỉ tác động tới lợi ích của đông đảo nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà còn tác động trực tiếp đến báo cáo tài chính của cổ đông lớn như Viettel.

>> CEO MB Phạm Như Ánh thông tin về gói tín dụng cho 'người yếu thế'

Chủ tịch Lưu Trung Thái: Chuyển đổi số không phải để cắt bớt người, MB dự kiến tăng 1.000 nhân sự trong năm nay

CEO MB Phạm Như Ánh thông tin về gói tín dụng cho 'người yếu thế'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tai-sao-mb-choi-nuoc-co-doi-vua-phat-hanh-moi-vua-thu-gom-co-phieu-cu-288055.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tại sao MB chơi nước cờ đôi: Vừa phát hành mới, vừa thu gom cổ phiếu cũ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH