Phiên 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã cho 9 tổ chức tín dụng vay gần 36.000 tỷ đồng qua kênh OMO với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,25%/năm.
Gần đây, phiên giao dịch 23/4 đã gây chú ý trên thị trường mở khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho 9 tổ chức tín dụng vay gần 36.000 tỷ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,25%/năm. Đây là mức cho vay cao nhất trong vòng hơn 7 năm, chỉ kém mức kỷ lục hơn 42.000 tỷ được thiết lập vào ngày 24/1/2017.
Đáng chú ý, so với phiên trước đó, quy mô cho vay của NHNN đã tăng gấp hơn 4 lần, đồng thời kỳ hạn cũng tăng từ 7 ngày lên 14 ngày và theo đó, lãi suất cho vay OMO đã tăng lên 4,25%/năm từ mức 4%/năm trong các phiên giao dịch trước đó.
Lý giải về việc NHNN tăng cường cho vay trên kênh OMO và kéo kỳ hạn ra 14 ngày, các chuyên gia phân tích cho biết, động thái này là nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong bối cảnh giai đoạn cao điểm thanh toán. Cụ thể, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay khá dài, kéo dài tới 5 ngày, do đó việc khách hàng rút tiền ra khỏi ngân hàng lớn. Vì vậy, ngân hàng cũng dự phòng điều đó và đi vay với kỳ hạn dài hơn.
Bên cạnh đó, việc nâng lãi suất OMO cũng một động thái hợp lý do kỳ hạn cho vay đã tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, đồng thời điều này sẽ giúp thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Chia sẻ về vấn đề này trên Facebook cá nhân, ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup cho rằng, động thái này của NHNN hoàn toàn hợp lý. Trước đó, lãi suất cho vay OMO kỳ hạn 7 ngày của NHNN đều là 4%, như vậy lãi suất kỳ hạn kéo ra 14 ngày là 4,25% (như phiên 23/4) là điều hợp lý. Ông Báu cũng cho rằng, nếu để lãi suất 4% như phiên 22/04 mới là không ổn. "Kỳ hạn dài hơn nên có một mức lợi suất tốt hơn", ông Báu cho biết.
Bên cạnh đó, CEO Wigroup cũng cho biết thêm, mức trúng thầu OMO 36.000 tỷ ở kỳ hạn 14 ngày cũng hợp lý vì một phần nhằm "cover" cho lượng OMO cho vay trong tuần trước đáo hạn, một phần lớn nữa là phải "cover" luôn 1 kỳ nghỉ lễ khá dài trúng vào cuối tháng.
Việc nhu cầu vay OMO của các ngân hàng tăng cao mang nhiều tính mùa vụ, không phải do tác động của việc bán can thiệp vàng và USD, bởi quy mô hút đối ứng VNĐ qua hoạt động này là khá nhỏ, không đủ để làm thanh khoản hệ thống căng thẳng.