Doanh nghiệp

Tăng cường xúc tiến thương mại doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản

Nha Trang 11/10/2024 17:15

Nếu như Việt Nam có nền kinh tế mở, nguồn lao động giàu tiềm năng thì Nhật Bản cũng là một trong các quốc gia dẫn đầu về công nghệ. Khi hai nền kinh tế bổ sung lẫn nhau sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đổi mới công nghệ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Ngày 11/10/2024, Hội thảo "Xúc tiến thương mại giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Quân đội và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản” đã diễn ra, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và tạo cơ hội cho doanh nghiệp quân đội Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản.

Xúc tiến thương mại giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Quân đội và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản
Xúc tiến thương mại giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Quân đội và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản

Hợp sức đổi mới công nghệ

Tại chương trình, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973.

Ông Nghĩa khẳng định: "Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, giá trị nhân văn. Sau 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược sâu rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng". Đặc biệt, Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò lớn trong các dự án phát triển hạ tầng và kinh tế số của Việt Nam thông qua các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA).

Với sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, ông Nghĩa cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản không chỉ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, công nghệ và lao động, mà còn đang cùng nhau xây dựng một tương lai hợp tác bền vững, vì lợi ích chung của cả hai dân tộc và sự thịnh vượng của khu vực châu Á.

Ông cũng nhấn mạnh: "Việt Nam sở hữu nền kinh tế mở, với nguồn nhân lực trẻ dồi dào và nhiều tiềm năng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, trong khi Nhật Bản là một trong những quốc gia tiên tiến hàng đầu về công nghệ. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng".

Để minh chứng cho sự phát triển toàn diện này, Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng đã dẫn ra hàng loạt các khuôn khổ pháp lý và cơ chế đối thoại song phương đã được thiết lập giữa hai nước trong nhiều năm qua, như Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ năm 2013), Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp (từ năm 2014) và Đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Nhật (từ năm 2012).

Đại tá Nguyễn Xuân Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
Đại tá Nguyễn Xuân Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Chinh phục thị trường khó tính

Trong bối cảnh hai nước không ngừng tăng cường hợp tác, doanh nghiệp quân đội Việt Nam cũng đã bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế, trong đó có Nhật Bản.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Quân đội, Đại tá Phạm Văn Thắng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội, chia sẻ: "Các doanh nghiệp quân đội hiện nay hoạt động đa ngành, có thế mạnh riêng trong các lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng, thi công hạ tầng, may mặc và khai khoáng. Chúng tôi đã ký kết nhiều hợp đồng ghi nhớ và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để tiến vào các thị trường khó tính như Nhật Bản".

Với hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, Nhật Bản được xem là một thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với doanh nghiệp quân đội. Đại tá Thắng nhận định: "Doanh nghiệp quân đội Việt Nam đã có sự hiện diện nhất định tại các thị trường lớn và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong việc đảm bảo tiêu chí xanh-sạch, nhằm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng Nhật Bản".

Bên cạnh đó, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cũng chia sẻ về dư địa hợp tác kinh tế giữa hai nước: "Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 50 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp quân đội, có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết giữa hai nước để tiếp cận thị trường Nhật Bản, tuy nhiên, cần chú ý đến các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này".

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản

Tại chương trình, các doanh nghiệp quân đội và đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đã có cơ hội thảo luận, trao đổi về tiềm năng hợp tác thương mại trong thời gian tới. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh, thành công lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp quân đội là sự hiện diện trên các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu lớn hơn, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hướng đến những mặt hàng phù hợp với yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp quân đội Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phát triển toàn diện về quy mô, lĩnh vực và ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các sản phẩm xanh-sạch, phù hợp với tiêu chí của người tiêu dùng Nhật Bản, sẽ là lợi thế lớn giúp doanh nghiệp quân đội khẳng định vị thế tại thị trường này. "Chúng tôi mong muốn tăng cường sự hiện diện hơn nữa về hình ảnh và sản phẩm của doanh nghiệp quân đội trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và thị trường Nhật Bản nói chung" – Đại tá Phạm Văn Thắng khẳng định.

>> Thông điệp của Thủ tướng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản cho vay ODA làm đường sắt tốc độ cao

Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-xuc-tien-thuong-mai-doanh-nghiep-viet-nam-nhat-ban.html
Bài liên quan
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu hội kiến tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba
    Ngày 11/10, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị liên quan tại Vientiane, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Đây là cuộc hội kiến đầu tiên của Thủ tướng hai nước kể từ khi ông Ishiba nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản.
  • Ra mắt ‘Trung tâm Việt Nam học’ tại Osaka, Nhật Bản
    Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản tại Osaka, Nhật Bản, vừa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka tổ chức buổi lễ ra mắt “Trung tâm Việt Nam học”, một cơ sở phối hợp nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về Việt Nam, cung cấp dữ liệu, kiến thức đa chiều về Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam.
  • Tăng cường hơn nữa kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Nhật Bản
    Tại Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa kết nối hai nền kinh tế thông qua đẩy mạnh hợp tác ODA, đầu tư, thương mại, lao động…
  • Việt Nam, Nhật Bản phát huy tiềm năng FTA song phương và đa phương
    Để phát huy hết sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam, cần giúp doanh nghiệp hiểu rõ đặc điểm của từng Hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi, tuân thủ “luật chơi” (đặc biệt quy tắc xuất xứ và tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng), ông Nobuyuki Matsumoto - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM khuyến nghị.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng cường xúc tiến thương mại doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản
    POWERED BY ONECMS & INTECH