Thị trường

Tăng giá phở 5.000 đồng, chủ quán 'đứng ngồi không yên'

Duy Anh 11/04/2025 08:40

Sau khi tăng giá 5.000 đồng mỗi bát phở, lượng khách giảm hẳn. Chủ quán phở lo khó trụ được lâu vì giá thuê mặt bằng, thuê nhân viên tăng. Ngay cả các thương hiệu lớn cũng đối mặt với vấn đề chi phí, buộc phải tăng giá.

Không thể cầm cự nổi

Từ ngày 1/3, một quán phở ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) thông báo tăng giá 5.000 đồng/bát do giá cả leo thang và mong khách hàng thông cảm. Từ mức giá thấp nhất 35.000 đồng/bát, nay khách hàng phải trả 40.000 đồng. Bát phở cao nhất lên tới 70.000 đồng, chưa tính thêm quẩy 10.000 đồng/suất và trà đá 5.000 đồng/cốc.

Anh Tuấn (chủ quán phở) lý giải, do giá cả đầu vào tăng nên bất đắc dĩ anh phải tăng giá. Cửa hàng kinh doanh tại khu vực chung cư được hơn 1 năm, có lượng khách ổn định. Nhưng từ khi tăng giá, lượng khách tới ăn giảm hẳn.

Theo anh Tuấn, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên khi mức giá bán cao, họ cũng tính toán và tìm kiếm những sự lựa chọn khác.

Chủ hàng phở này lo lắng nếu doanh thu giảm sẽ khó tồn tại lâu do chi phí mặt bằng, thuê nhân viên tăng. Ngoài bán trực tiếp tại quán, anh Tuấn cũng đăng ký bán phở trên các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến nhưng lượng đơn không nhiều, chưa kể phải cắt lại một phần cho các nền tảng đó.

w phodibo nguyenvantuyet 16 35496.jpeg
Nhiều cửa hàng ăn uống vắng khách. Ảnh minh họa: Thế Kha

Sau thời gian kinh doanh cà phê, chị Nguyễn Thị Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) chính thức đóng cửa sau một thời gian dài gồng lỗ.

Khi trào lưu trà chanh lên ngôi, chị Hoa cùng hai người bạn đầu tư mở một cửa hàng đồ uống tại quận Thanh Xuân. Dịch Covid-19 bùng phát, cửa hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Khi được mở cửa kinh doanh trở lại, trào lưu trà chanh trong giới trẻ thoái trào, chị Hoa buộc chuyển đổi sang mô hình cà phê bình dân cho sinh viên, giới trẻ.

Tuy nhiên, sự bùng nổ các thương hiệu đồ uống khiến quán cà phê gặp khó, lượng khách tới quán giảm rõ rệt, không còn đông đúc như trước.

“Quán là đứa con tinh thần” khi chị bắt đầu khởi nghiệp, nhưng không thể gồng lỗ mãi, cuối cùng chị Hoa quyết định đóng cửa quán khi hết hợp đồng thuê mặt bằng, chấp nhận khoản lỗ lớn còn hơn duy trì tình trạng này kéo dài.

Ông Phùng Anh Thế, nhà sáng lập Trà sữa Maycha, nhận xét sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt khi các hàng quán giá rẻ xuất hiện, sử dụng nguyên liệu chất lượng thấp nhằm thu hút nhóm khách hàng nhạy cảm với giá. Xu hướng tiêu dùng không chỉ thay đổi cách thức chi tiêu mà còn tác động mạnh mẽ đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành đồ uống.

Không chỉ cửa hàng kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ, ngay cả các thương hiệu lớn cũng đối mặt với khó khăn, buộc phải tăng giá. Điển hình như trường hợp của Highlands Coffee khi thương hiệu này tăng giá khoảng 10-15%, gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng người tiêu dùng.

Chuỗi cà phê Starbucks, The Coffee House cũng liên tục cắt giảm cửa hàng. Thậm chí gần đây, The Coffee House đã về tay Golden Gate; VNDirect muốn thoái vốn khỏi chủ chuỗi King BBQ, Thái Express,...

Gánh nặng chi phí

Theo ông Nguyễn Thái Bình, đồng sáng lập Học viện Concepts, giá nguyên vật liệu năm 2024 tăng do tác động của nhiều yếu tố vĩ mô. Lạm phát toàn cầu và biến động kinh tế làm chi phí nhập khẩu leo thang, trong khi chi phí vận chuyển tăng do bất ổn chính trị và biến động giá nhiên liệu.

Chính sách thuế, quy định nhập khẩu cũng bị siết chặt, cùng với biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản, khiến sản lượng cà phê, đường, gạo, rau củ suy giảm. Đồng thời, xuất khẩu gia tăng, đặc biệt với gạo và cà phê, làm hạn chế nguồn cung trong nước, đẩy giá cả lên cao.

Trong khi đó, người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu ăn uống. Báo cáo mới đây của iPOS cho thấy, mức chi tiêu phổ biến nhất cho bữa sáng hiện nay là từ 21.000-30.000 đồng, bữa ăn trưa khoảng 31.000-50.000 đồng và dưới 35.000 đồng/đồ uống.

Theo iPOS, năm 2024 chứng kiến quá trình thanh lọc tự nhiên khi nhiều cửa hàng độc lập kém hiệu quả buộc phải đóng cửa do áp lực chi phí vận hành và sức mua suy giảm.

Hết năm 2024, số lượng cửa hàng ăn uống tại Việt Nam ước tính đạt 323.010, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, 44,8% doanh nghiệp ghi nhận chi phí nguyên vật liệu chiếm từ 30% trở lên trong giá bán, trong đó 6,2% doanh nghiệp có chi phí vượt quá 50%, đẩy biên lợi nhuận vào mức nguy hiểm.

Dưới sức ép của giá nguyên vật liệu tăng cao, theo iPOS, có tới 49,2% doanh nghiệp kinh doanh ăn uống dự kiến tăng giá trong năm 2025 để đối phó áp lực chi phí.

Tuy nhiên, việc tăng giá sản phẩm không phải là một quyết định dễ dàng. Việc cân bằng giữa giá thành, lợi nhuận và sức mua của khách hàng sẽ trở thành bài toán sống còn trong năm 2025, khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc FnB Director, cho rằng năm nay thị trường kinh doanh đồ ăn uống sẽ phục hồi mạnh nhờ nhu cầu trải nghiệm ẩm thực, du lịch,... tăng cao. Thế nhưng, doanh nghiệp cũng đối mặt với chi phí vận hành leo thang và cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu trong và ngoài nước.

Do đó, ông Nguyễn Thái Bình lưu ý, việc tăng giá bán cần được cân nhắc kỹ lưỡng do chi phí đầu vào tăng cao nhưng sức mua thị trường suy yếu. Tăng giá đột ngột có thể ảnh hưởng đến doanh số khi khách hàng ngày càng thận trọng trong chi tiêu.

Thay vì tăng giá đồng loạt, doanh nghiệp nên tối ưu chi phí bằng cách đàm phán với nhà cung cấp, điều chỉnh công thức chế biến hoặc định lượng sản phẩm. Nếu cần thiết phải tăng giá, nên áp dụng chiến lược linh hoạt theo khu vực, nhóm khách hàng và kết hợp nâng cao giá trị sản phẩm nhằm duy trì sự hấp dẫn.

Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành kinh doanh đồ ăn uống tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng 9,6% trong năm 2025. Doanh thu của chuỗi F&B được kỳ vọng đạt 55.208,9 tỷ đồng, tăng khoảng 14,4% so với năm 2024.

>> Khách Tây lần đầu thử món phở 'tự túc' 100 nghìn ở TPHCM, ăn liền 2 bát vì ngon

Lần đầu thử món phở bò Việt Nam, người dân châu Phi liên tục nói 1 từ

Khách Tây lần đầu thử món phở 'tự túc' 100 nghìn ở TPHCM, ăn liền 2 bát vì ngon

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tang-gia-pho-5-000-dong-chu-quan-dung-ngoi-khong-yen-2389925.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng giá phở 5.000 đồng, chủ quán 'đứng ngồi không yên'
    POWERED BY ONECMS & INTECH