Doanh nghiệp

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống: Có 24 ngành nghề bị ảnh hưởng

Quang Dương 10/08/2024 - 18:20

Các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và nước giải khát đang đối mặt với nhiều khó khăn khi dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi) được đưa ra.

Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB (tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm rượu, bia, và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo đó, dự thảo đề xuất tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1, thuế TTĐB với mặt hàng bia, rượu trên 20 độ sẽ tăng từ năm 2026 lên 70%; 2027 là 75% và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến năm 2030 lên 90%. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng lên 40% vào năm 2026 và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến 60% vào năm 2030.

Phương án 2, thuế TTĐB với bia và rượu trên 20 độ sẽ tăng lên 80% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% lên đến 100% vào năm 2030. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng 50% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% cho đến 70% vào năm 2030. Hiện Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống: Có 24 ngành nghề bị ảnh hưởng
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

>> Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã chia sẻ những phân tích sâu sắc về tác động của việc tăng thuế đối với ngành kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu từ CIEM, nếu áp dụng mức thuế suất 10% đối với rượu, bia và nước giải khát, nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, từ năm thứ hai trở đi, nguồn thu bắt đầu suy giảm.

Dựa trên số liệu năm 2022, CIEM ước tính rằng việc tăng thuế này sẽ khiến nguồn thu giảm khoảng 0,5% từ năm thứ hai (tương đương 5,5 nghìn tỷ đồng). Điều này kéo theo sự sụt giảm doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát và 24 ngành liên quan, đồng thời làm giảm thu nhập doanh nghiệp, dự kiến giảm khoảng 3,38 nghìn tỷ đồng.

Bà Thảo cũng nhấn mạnh rằng, khi xem xét hai phương án tăng thuế cao đối với rượu, bia, ban soạn thảo chưa thực sự đánh giá toàn diện các tác động đối với doanh nghiệp. Các báo cáo chỉ tập trung vào việc tăng thu ngân sách mà chưa có những phân tích định lượng về mức độ ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, ban soạn thảo cũng chưa có những đánh giá chi tiết về tác động đến lao động và an sinh xã hội, cũng như những ảnh hưởng đến các ngành hàng trong chuỗi cung ứng dịch vụ.

Nếu áp dụng mức thuế 10% đối với nước giải khát có đường, CIEM dự báo rằng hệ số co giãn lao động trong lĩnh vực này sẽ giảm 1,03%, đồng nghĩa với quy mô sản xuất sẽ giảm đáng kể.

Bà Thảo cũng lưu ý rằng, áp dụng thuế suất này sẽ ảnh hưởng đến 24 ngành nghề, với GDP của nền kinh tế dự kiến giảm 0,5% (tương đương 27,8 nghìn tỷ đồng) và nguồn thu từ ngành sản xuất nước giải khát sẽ giảm khoảng 3,38 nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. CIEM ước tính rằng việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ khiến ngân sách giảm 3,2 nghìn tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên.

Theo bà Thảo, trong Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đặt mục tiêu tăng nguồn thu và điều tiết người tiêu dùng, nhưng chưa đưa ra con số định lượng cụ thể. Đây chỉ mới là những nghiên cứu sơ bộ.

“Nếu áp dụng 10% thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lao động trong các doanh nghiệp, giảm khoảng 2.000 lao động. Chúng tôi đang đề xuất mức thuế là 5%. Nếu áp theo mức thuế này, năm đầu tiên nguồn thu tăng, năm thứ hai bắt đầu có suy giảm nhưng ở mức độ nhỏ hơn, phù hợp hơn với bối cảnh của doanh nghiệp hiện nay”, bà Thảo kết luận.

>> Ngành đồ uống trước nguy cơ ‘cú sốc’ từ thuế tiêu thụ đặc biệt

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lên tiếng 'kể khổ'

Chuyên gia: 'Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng là hoàn toàn phù hợp'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-24-nganh-nghe-bi-anh-huong-244957.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống: Có 24 ngành nghề bị ảnh hưởng
POWERED BY ONECMS & INTECH