Doanh nghiệp

Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát

Hoàng Hiếu 14/07/2024 - 21:19

Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế TTĐB.

Ngày 11/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Đóng góp ý kiến vào việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, mức tiêu thụ nước giải khát của Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế TTĐB lên nước giải khát.

Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Tài chính, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 Việt Nam tiêu thụ 3,3 tỷ lít nước giải khát, tức là tương đương với khoảng 34 lít/người/năm nếu tính trên số dân là 96 triệu người vào năm 2020.

Như vậy, theo số liệu của hai cơ quan trên thì mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020 có chiều hướng giảm đáng kể. Mức độ tiêu thụ này cũng khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chính sách này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát
Toàn cảnh Hội thảo, nguồn: Internet

Đứng ở góc độ chuyên gia, đề cập tính phù hợp và hiệu quả trong xác định đối tượng thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Việt - Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) cho rằng, Luật Thuế TTĐB phải thực sự điều tiết được tiêu dùng – mục tiêu cao nhất của sắc thuế này là hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, có hại cho sức khỏe hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội.

Việc áp dụng thuế TTĐB đối với một số hàng hóa cần giảm thiểu được việc buôn lậu mặt hàng đó vào nước ta dẫn đến không thể kiểm soát được chất lượng.

Theo ông Việt, mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Luật thuế TTĐB sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và xem xét thông qua vào 5/2025.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua chương trình, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến công khai về hồ sơ của dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đầy đủ theo quy định.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn khẳng định: Những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật TTĐB (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp, hiệp hội trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng.

Vì vậy, việc lấy ý kiến của các các đối tượng này là rất cần thiết. Những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, chuyên gia, sẽ được tập hợp đầy đủ để gửi ban soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.

>>Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị xử lý về tài chính 50.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024

Chuyên gia: “Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường là chưa thuyết phục'

Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường và cồn: Cần lộ trình để tránh sốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/can-nhac-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-nuoc-giai-khat-241926.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát
POWERED BY ONECMS & INTECH