Tập đoàn Anh Vinh - Nhà thầu ì ạch - Bài 3: Tự làm chủ đầu tư cũng... ì ạch!
Không chỉ ì ạch với vai trò là nhà thầu thi công trong các dự án sử dụng vốn ngân sách ở TP.HCM, Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Vinh (Công ty Anh Vinh) còn ì ạch ngay tại dự án doanh nghiệp làm chủ đầu tư trên phần đất được giao tại TP.Biên Hoà, Đồng Nai.
Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn thuộc Tập đoàn Anh Vinh tại TP.Biên Hoà, Đồng Nai. |
Xin đầu tư trường 1ha rồi nâng lên 10ha chỉ trong 1 tháng
Theo hồ sơ phóng viên thu thập được, khu đất tại khu phố 2 và 3 của P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có nguồn gốc thuộc khu căn cứ quân sự của chế độ cũ. Sau năm 1975, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần làm việc để bàn giao khu đất cho chính quyền tỉnh Đồng Nai quản lý.
Đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thu hồi gần 749ha đất Khu căn cứ Long Bình, giao cho tỉnh. Từ khi tiếp nhận đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai cùng chính quyền các cấp đã phê duyệt thực hiện nhiều dự án tại vị trí khu đất. Trong đó có dự án Khu dân cư Miền Đông, diện tích hơn 65ha do Công ty Cổ phần Miền Đông làm chủ đầu tư.
Ngày 18/10/2008, Công ty Cổ phần Đầu tư TM&DV Anh Vinh (tiền thân của Công ty Anh Vinh hiện nay) có đơn đề nghị thỏa thuận địa điểm đầu tư Trường cao đẳng Y tế Anh Vinh Đồng Nai, diện tích khoảng 1ha tại P.Long Bình Tân. Sau đó hơn một tháng, doanh nghiệp này tiếp tục có văn bản xin được đầu tư Trường cao đẳng y tế kết hợp bệnh viện, diện tích khoảng 10ha.
Năm 2009, sau nhiều lần làm việc, dự án được UBND tỉnh Đồng Nai cùng UBND TP.Biên Hòa và các Sở, ngành liên quan thống nhất việc dành quỹ đất khoảng 12ha trong Khu dân cư Miền Đông để bố trí trường cao đẳng và bệnh viện. Đến ngày 31/5/2011, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai có văn bản số 892/SKHĐ-HTĐT trình UBND tỉnh Đồng Nai về việc thỏa thuận địa điểm đầu tư dự án Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn kết hợp Bệnh viện đa khoa tại P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa.
Dự án Trường cao đẳng Lê Quý Đôn được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào cuối năm 2009 và điều chỉnh vào tháng 10/2013. Theo kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành vào tháng 1/2013 thì diện tích dự án Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn là 11,8ha, bao gồm công viên cây xanh (1,17 ha), bệnh viện (1,82 ha), trường cao đẳng (2,53ha), đất ở (2,36 ha), đường giao thông (4,02 ha).
Dự án Trường cao đẳng Lê Quý Đôn được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào cuối năm 2009. |
Theo hồ sơ đề nghị của Công ty Anh Vinh và đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 47121000328 ngày 8/11/2011 cho mục tiêu xây dựng Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn, diện tích gần 2,9ha, vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Tháng 4/2013, dự án Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn được điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, tăng diện tích sử dụng đất lên hơn 5ha, tăng mức đầu tư lên 510 tỷ đồng và tiến độ thực hiện dự án từ năm 2012 – 2017.
Ngày 17/8/2012, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định 2292/QĐ-UBND, giao đất (đợt 1) cho Công ty Anh Vinh với diện tích hơn 5.262m2 để thực hiện dự án, hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, sau đó được điều chỉnh thành Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Đến ngày 6/8/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã ký hợp đồng cho thuê đất số 47/HĐTĐ với Công ty Anh Vinh, diện tích 5.262,6m2, thời hạn thuê đến hết ngày 8/11/2061.
Ngày 29/10/2012, dự án Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn giai đoạn 1 được khởi công và khánh thành vào ngày 20/11/2013. Được biết, thời điểm dự án được phê duyệt đã có trên 700 hộ dân đang sinh sống trong khu đất. Trong các văn bản giữa chính quyền tỉnh địa phương cùng Công ty Anh Vinh, các bên liên quan đã nhiều lần nhắc đến việc thực hiện tái định cư và lên phương án hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Lại ì ạch
Theo kế hoạch của Công ty Anh Vinh thì dự án được chia làm 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2012, xây dựng Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn gồm khối công trình nhà học lý thuyết cao 7 tầng, khu KTX sinh viên, hội trường, căn tin,...; Giai đoạn 2 từ năm 2013 – 2014, xây dựng thêm một khu nhà học lý thuyết cao 7 tầng, khu thực hành thí nghiệm, văn phòng nhà trường, nhà thi đấu thể thao, mua sắm trang thiết bị máy móc; Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành công việc giai đoạn 2 và chính thức hoàn tất việc xây dựng trường; Giai đoạn 4 từ năm 2015 – 2018 đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa quy mô 500 giường,....
Những căn nhà lụp xụp phía sau trường Cao đẳng Lê Quý Đôn. |
Đối chiếu với Giấy chứng nhận đầu tư Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn, diện tích hơn 5ha được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 – 2017, đến nay ngoài khu đất 5.262m2 đã được xây dựng một khối trường học và văn phòng cao 7 tầng, dự án chưa triển khai các hạng mục theo kế hoạch trên phần diện tích gần 4,5ha còn lại.
Tính rộng ra, diện tích dự án gần 12ha nhưng đến nay ngoài phần diện tích 5.262 m2 đã thực hiện, phần diện tích còn lại gần 11,5ha gồm nhiều hạng mục như bệnh viện, khu nhà ở, công viên, đường giao thông theo quy hoạch được duyệt chưa được xây dựng, thậm chí chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo kế hoạch của Công ty Anh Vinh, Trường cao đẳng Lê Quý Đôn sau khi hoàn thành sẽ đào tạo 5.000 sinh viên/năm. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, Trường cao đẳng Lê Quý Đôn hiện nay có số lượng sinh viên theo học khiêm tốn, phần công trình khối trường học 7 tầng đã xây dựng một phần không được sử dụng cho mục đích giáo dục mà là nơi đặt trụ sở của Công ty Anh Vinh và là văn phòng của nhiều doanh nghiệp có họ Anh Vinh và một số doanh nghiệp khác. Bảng thông tin doanh nghiệp được dán hàng loạt trước cổng trường.
Trong khu đất 11,5 ha, do đang vướng quy hoạch dự án Trường cao đẳng Lê Quý Đôn kết hợp bệnh viện nên nhìn khá lụp xụp, nhếch nhác, đường sá hư hỏng, xuống cấp, nhà dân đa phần là nhà cấp 4, cũ kỹ nhưng không được sửa chữa. Văn phòng cũ của Công ty Anh Vinh nằm trong khu đất được một cơ sở kinh doanh trứng thuê lại từ mấy năm nay. Còn khu đất bố trí bệnh viện đa khoa hiện nay đang được một doanh nghiệp khác sử dụng làm kho bãi vật liệu xây dựng, thiết bị công trình.
Anh V., một hộ dân đang sinh sống bên trong khu đất chia sẻ, cách đây nhiều năm có một số lần chính quyền địa phương cũng như Công ty Anh Vinh xuống thông báo sẽ tiến hành công tác thu hồi đất nhưng gặp phải sự phản đối của người dân. Từ đó đến nay không nhận được thêm thông tin nào từ doanh nghiệp này cũng như chính quyền địa phương về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Một phần khu đất được một doanh nghiệp khác sử dụng làm kho bãi vật liệu xây dựng, thiết bị công trình. |
Người này nói thêm, do vướng phải quy hoạch nên nhà dân trong khu này không thể sửa chữa hay xin phép xây dựng nhà mới được. Cách đây vài năm, do căn nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, sau một thời gian sống trong nơm nớp lo sợ, hộ dân này đánh liều xây dựng lại căn nhà mới làm nơi ở an toàn cho gia đình, dù chính quyền địa phương có xuống xử lý.
“Biết rằng xây chui nhà là sai, nhưng dự án mãi không triển khai, không lẽ mình cứ sống như vậy hoài. Trong khu này ít người dám xây hay sửa nhà lắm, thành ra nhà cửa càng ngày càng nát mà dự án không biết khi nào mới thực hiện. Quan điểm của tôi là sau này nếu Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phục vụ an sinh xã hội, giáo dục, công viên… thì sẵn sàng nhận mức bồi thường thoả đáng và di dời. Nhưng nếu là doanh nghiệp tư nhân thì tôi rất lo, biết bao nhiêu vụ lấy đất rồi phân lô bán nền rồi”, anh V. nói.
Theo quy định của Luật đầu tư 2014, những dự án sau 12 tháng mà nhà đầu tư không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ đầu tư thì sẽ bị thu hồi dự án. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, dự án Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn chậm tiến độ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin xử lý. Phóng viên đã liên hệ UBND tỉnh Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan, Công ty Anh Vinh và đang chờ phản hồi vấn đề này.
Chân dung nhà thầu ì ạch
Công ty Anh Vinh được thành lập năm 2008 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Đầu tư TM&DV Anh Vinh, sau đó đổi thành Công ty Cổ phần Anh Vinh và hiện nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Vinh, do ông Đặng Quang Vinh (SN 1974) làm Chủ tịch HĐQT. Vị trí Tổng Giám đốc sau nhiều lần thay đổi, đến cuối năm 2023 là một đàn ông mang Quốc tịch Hàn Quốc (SN 1963).
Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Anh Vinh đăng ký địa chỉ tại P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhưng thực tế trụ sở hoạt động trong Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn (TP.Biên Hoà, Đồng Nai) – thuộc sở hữu của doanh nghiệp này.
Công ty Anh Vinh đăng ký địa chỉ tại TP.HCM nhưng thực tế trụ sở hoạt động đặt trong Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn. |
Thời điểm cuối năm 2021, Công ty Anh Vinh có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp tự giới thiệu hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Giáo dục - y tế, tư vấn du học - cung ứng xuất khẩu lao động, vận tải - du lịch, tư vấn thiết kế xây dựng - thương mại, khai thác khoáng sản, bất động sản.
“Tập đoàn Anh Vinh đã trở thành đối tác rất tin cậy của nhiều công ty, tập đoàn và chính quyền các địa phương với dự án lớn từ Bắc vào Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, Ninh Bình, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu… Ngoài ra Tập đoàn đã mở Văn phòng đại diện tại các tỉnh như: Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Ninh Thuận, Trà Vinh và Văn phòng đại diện tại Tokyo Nhật Bản”, theo website của Công ty Anh Vinh.
Với tiềm lực như thế nhưng không rõ việc làm ăn của doanh nghiệp này như thế nào để đến nỗi tháng 9/2023, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai phải ra quyết định (số 4627/QĐ-CTDON-KDT) cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty Anh Vinh (Công ty Tập đoàn Anh Vinh) do có số tiền nợ thuế quá hạn hơn 292 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 25/9/2023 đến ngày 24/10/2023.
Những tháng đầu năm 2023, khu vực trước cổng Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn xuất hiện một nhóm người lạ mặt, đi xe ô tô có dán chữ “Mua bán nợ Song Long”. Việc này gây bất ổn cho tình hình an ninh trật tự, gây tâm lý hoang mang cho sinh viên, giáo viên nên Công ty Anh Vinh kêu cứu các cơ quan chức năng.
Trước đó, năm 2017, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận chủ trương cho phép Liên doanh Công ty TNHH Xây dựng Đông Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Vinh thực hiện khảo sát, nghiên cứu lập và thực hiện dự án nạo vét, cải tạo, tận thu khối lượng vật liệu lòng hồ chứa nước Châu Pha bằng nguồn vốn xã hội hoá 100% của doanh nghiệp.
Ở thời điểm này, liên doanh vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện dự án nhưng lại tự ý triển khai máy móc nạo vét, khai thác cát lòng hồ nên bị cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.
Tập đoàn Anh Vinh - Nhà thầu ì ạch - Bài 2: Thoát nước cũng chậm, làm đường cũng chậm!