Trước đó, lãnh đạo Đèo Cả cho hay, mức lãi suất phát hành trái phiếu dự kiến khoảng 12%/năm sẽ được chi trả cho các tổ chức, cá nhân mua trái phiếu theo từng tháng hoặc từng quý.
Phát biểu tại một buổi tọa đàm về trái phiếu doanh nghiệp sáng nay (16/8/2021), ông Trần Anh Thế, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho hay, Đèo Cả đang đưa ra chiến lược phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến triển khai từ tháng 9, 10/2021 để huy động vốn cho các dự án giao thông vừa mới trúng thầu như: dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, một dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng khoảng 7.500 tỷ đồng, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh 12.000 tỷ đồng.
Trước đó, lãnh đạo Đèo Cả cho hay, mức lãi suất phát hành trái phiếu dự kiến khoảng 12%/năm sẽ được chi trả cho các tổ chức, cá nhân mua trái phiếu theo từng tháng hoặc từng quý.
"Mức lãi suất trái phiếu dự kiến phát hành sẽ cao hơn mức lãi suất trong phương án tài chính dự án khoảng 1,5%/năm. Nhằm đảm bảo tính khả thi khi huy động vốn từ phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh giảm tỷ suất lợi nhuận tại dự án và lấy một phần lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác để bù đắp cho phần lãi suất chênh lệch”, ông Thế nói.
Được biết, tổng mức đầu tư của Đèo Cả vào các dự án giao thông hiện trên 60.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn thời gian tới là rất lớn, buộc công ty phải tính tới kênh huy động vốn bằng trái phiếu, song việc huy động vốn qua kênh này đang gặp nhiều vướng mắc.
Thứ nhất, Điều 6, Nghị định 28/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ. Ông Thế cho rằng, quy định này đã bó hẹp doanh nghiệp.
“Chúng tôi kiến nghị là nên cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, thậm chí phát hành trái phiếu quốc tế, vì lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn vô cùng lớn, phù hợp với việc phát hành trái phiếu quốc tế”, ông Thế đề xuất.
Thứ hai, chính sách giới hạn trần tín dụng với một khách hàng hiện nay cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong huy động vốn. Chính vì vậy, ông Thế đề nghị, các tổ chức tín dụng không tính dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vào tổng dư nợ tín dụng với doanh nghiệp.
Thứ ba, cần có quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia đẻ tháo gỡ bài toán vốn cho doanh nghiệp, tạo vốn mồi, giúp nhà đầu tư cá nhân yên tâm hơn khi đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp hạ tầng.
Liên quan đến đề xuất của Đèo Cả về việc ngân hàng không tính dư nợ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào tổng dư nợ tín dụng của doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, đề xuất này khó khả thi.
“Nếu các quỹ mua trái phiếu doanh nghiệp thì không gặp vấn đề gì, vì các tổ chức này không bị giới hạn trần tín dụng. Tuy nhiên, nếu ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp thì cũng chính là cho doanh nghiệp vay, chỉ là khác nhau về hình thức. Trong hoạt động, các ngân hàng luôn phải tính trọng số rủi ro, hệ số an toàn vốn, nếu không tính đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào tín dụng thì tính ở đâu trên bảng cân đối tài sản? Điều này rất khó”, TS. Lực khẳng định.
Tuy vậy, theo chuyên gia này, trong bối cảnh Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hoạt động kém hiệu quả như ở Việt Nam, đề xuất thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia là một đề xuất đáng lưu tâm, cần nghiên cứu về tính khả thi.