Hé lộ chiêu trò của 'tập đoàn' siết nợ bằng thủ đoạn cắt ghép ảnh đồi trụy, khủng bố tinh thần khiến con nợ khiếp sợ
Dưới vỏ bọc doanh nghiệp thu hồi nợ, đường dây này dùng ảnh ghép đồi trụy, đe dọa người thân, khủng bố tinh thần để ép con nợ trả tiền.
Ngày 21/7, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử 45 bị cáo về tội Cưỡng đoạt tài sản, nằm trong đường dây mua bán, thu hồi nợ xấu có dấu hiệu phạm pháp. Đáng chú ý, Lê Quốc Thống (47 tuổi) – kẻ được xác định giữ vai trò cầm đầu – hiện đang bỏ trốn và bị truy nã.
Hai “cánh tay” đắc lực của Thống gồm Trần Hồng Tiến (51 tuổi, giám đốc điều hành toàn hệ thống) và Nguyễn Đức Khoa (34 tuổi, phó giám đốc kiêm tổng giám đốc ba công ty trong đường dây).
Mua 238.000 khoản nợ từ Mirae Asset
Theo cáo trạng, từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2022, nhóm của Thống đã mua tổng cộng 238.160 khoản nợ xấu từ Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam, với tổng dư nợ lên đến hơn 3.500 tỷ đồng. Mỗi khoản nợ được mua với giá chỉ 12-15% mệnh giá. Sau đó, nhóm này đòi được 571 tỷ đồng.
Mirae Asset cho vay tín chấp các khoản nhỏ lẻ, yêu cầu người vay cung cấp bản sao giấy tờ tùy thân, thông tin liên hệ và điện thoại người thân. Khi khách hàng chậm hoặc không trả nợ, các khoản nợ được bán lại cho các công ty chuyên thu hồi nợ như nhóm của Thống.
Nhóm này thành lập 7 công ty đứng tên nhân viên dưới quyền nhưng thực chất đều do Thống và Tiến điều hành. Các công ty gồm: Omnia, Kiến Cường, DSP, Thời Đại, Kiên Long, Bắc Á và Nam Á. Mặc dù đăng ký kinh doanh tại nhiều địa chỉ khác nhau, các công ty vẫn dùng chung cách thức hoạt động và chung địa điểm vận hành.
Sau khi nhận thông tin khách hàng từ Mirae Asset, nhóm của Thống giao Bộ phận vận hành và kỹ thuật cập nhật dữ liệu vào hệ thống quản lý riêng. Hơn 100 nhân viên đòi nợ được chia nhóm, mỗi người phụ trách 400–500 khách hàng mỗi tháng, kèm theo chỉ tiêu tài chính nghiêm ngặt.
Nhân viên không đạt KPI trong hai tháng liên tiếp sẽ bị sa thải. Các trưởng nhóm liên tục thúc ép cấp dưới để tăng doanh thu, đồng thời được thưởng phần trăm trên khoản nợ thu hồi thành công.
Ngoài gọi điện, nhân viên còn sử dụng tổng đài tự động, phần mềm thay đổi giọng nói, từ giọng nam sang nữ và ngược lại, để gọi điện hăm dọa người vay. Việc thu tiền thực hiện trực tiếp tại văn phòng hoặc qua chuyển khoản tới tài khoản của công ty.
![]() |
Lê Quốc Thống đang bị truy nã. (Ảnh: Công an) |
Chiêu trò đe dọa: Từ chửi bới đến bôi nhọ danh dự
Cơ cấu tổ chức mô phỏng mô hình doanh nghiệp có quy mô lớn, chia thành 5 bộ phận:
Bộ phận nhân sự: Tiếp nhận hồ sơ, cấp thẻ ngân hàng, lập bảng chấm công.
Kế toán: Tổng hợp biên lai, tính lương cho nhân viên.
Vận hành (Account): Quản lý dữ liệu khách nợ.
Kỹ thuật (IT): Hỗ trợ truy cập, chỉnh sửa hồ sơ, đặc biệt là cắt ghép ảnh đồi trụy.
Bộ phận thu hồi nợ: Quản lý nhân viên, hướng dẫn phương thức đòi tiền.
Đáng chú ý, bộ phận IT không chỉ quản lý hệ thống mà còn tham gia cắt ghép ảnh nhạy cảm của con nợ hoặc người thân để phục vụ mục đích bôi nhọ, đe dọa, buộc trả tiền.
Theo điều tra, nhóm của Thống sử dụng sim rác, nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa giết hại người thân, đồng nghiệp, thậm chí gọi điện tới trường học của con cái con nợ để tạo áp lực.
Một thủ đoạn khác là cắt ghép ảnh nhạy cảm của người vay hoặc thân nhân, dán vào các hình ảnh đồi trụy, bịa đặt nội dung xấu (như mại dâm, nghiện ngập, ngoại tình...), sau đó tung lên mạng xã hội nhằm ép nạn nhân trả nợ.
Ví dụ, anh Nam (42 tuổi, Hà Nội) vay 50 triệu đồng, trả lãi 5,25%/tháng trong 24 tháng nhưng sau 12 tháng không còn khả năng trả. Khoản nợ được mua lại và bị tính lên 175 triệu đồng. Nhân viên đã gọi điện đến trường học của con anh Nam, mạo danh đón trẻ, khi bị từ chối thì fanpage trường liên tục bị spam, bôi nhọ giáo viên.
Cơ quan điều tra xác định nhóm Thống đã đe dọa, cưỡng đoạt được 904 triệu đồng từ 26 nạn nhân. Các trường hợp khác đang được công an các địa phương tách hồ sơ để tiếp tục làm rõ.
Viện kiểm sát xác định Công ty Tài chính Mirae Asset không vi phạm pháp luật trong giao dịch mua bán nợ. Khi chuyển nhượng các khoản vay, doanh nghiệp không biết các hành vi cưỡng đoạt, đe dọa xảy ra sau đó nên không bị truy cứu về tội Cho vay lãi nặng hay Cưỡng đoạt tài sản.
Trong khi đó, vợ của Lê Quốc Thống đã xuất cảnh từ tháng 8/2022 và chưa rõ tung tích, chưa thể ghi lời khai. Hành vi liên quan đã được tách để xử lý sau.
Vụ án cho thấy một dạng thức tinh vi của hoạt động đòi nợ núp bóng pháp nhân doanh nghiệp, sử dụng các biện pháp khủng bố tinh thần, xâm phạm danh dự nhân phẩm để ép người vay trả tiền, bất chấp pháp luật. TAND Hà Nội sẽ xét xử vụ án trong 7 ngày, với sự theo dõi sát sao của dư luận.
Vietcombank cảnh báo khẩn đến khách hàng về một hình thức lừa đảo hoàn toàn mới
Big 5 ngân hàng thông báo quan trọng về một tính năng mới giúp nhận diện lừa đảo