Tập đoàn FLC làm ăn ra sao trước khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt?

30-03-2022 10:26|Hoàng Yến

Trong giai đoạn 2015 - 2019, FLC từng đạt đỉnh về chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn lên tập đoàn khiến kết doanh kinh doanh giảm mạnh trong 2 năm gần đây.

Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, FLC đang trong giai đoạn tăng trưởng liên tục ở cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu của tập đoàn này đã tăng liên tục từ năm 2009 đến năm 2019 từ mức vài chục tỷ đồng/năm lên mức đỉnh 15.780 tỷ đồng vào năm 2019.

Cũng trong giai đoạn 2015 - 2019, FLC đạt đỉnh về chỉ tiêu lợi nhuận với lần đầu đạt trên nghìn tỷ vào năm 2016. Trong các năm sau đó, với mức doanh thu trên chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận FLC mang về cho các ông chủ của mình đều đạt trên dưới 500 tỷ/năm.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn lên FLC khi cả ngành hàng không và du lịch bị ảnh hưởng, dẫn tới kết quả kinh doanh giảm mạnh trong 2 năm gần nhất.

Cụ thể, năm 2021 vừa qua, FLC chỉ ghi nhận 6.772 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm một nửa so với năm 2020. Trong năm 2020 trước đó, doanh thu hợp nhất của tập đoàn này cùng các công ty con cũng đã giảm 15%.

Nguyên nhân khiến doanh thu FLC sụt giảm đến từ tất cả mảng kinh doanh, từ bất động sản, kinh doanh hàng hóa, thiết bị, vật liệu xây dựng cho tới các mảng dịch vụ như nghỉ dưỡng, du lịch, golf, hàng không…

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều khoản đầu tư vào cổ phiếu, công ty con, công ty liên kết của FLC cũng đang chịu thua lỗ khiến tập đoàn phải trích lập dự phòng trên nghìn tỷ.

Cụ thể, đến cuối năm 2021, tập đoàn này có 2 khoản đầu tư vào cổ phiếu của 2 doanh nghiệp trong “hệ sinh thái FLC” là AMD (Khoáng sản FLC) và HAI (Nông dược HAI) với tổng giá trị gần 265 tỷ đồng trong đó riêng khoản đầu tư vào HAI là gần 261 tỷ. Tuy nhiên, FLC đã phải trích lập dự phòng gần 74 tỷ đồng với khoản đầu tư này do giá trị hợp lý của cổ phiếu HAI thấp hơn giá vốn tập đoàn đầu tư.

Hầu hết công ty con là chủ đầu tư và vận hành chuỗi sân golf, resort của FLC này đang gặp thua lỗ khiến tập đoàn mẹ FLC phải trích lập dự phòng. Có thể kể đến các công ty như Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort giá gốc đầu tư 800 tỷ, nhưng phải dự phòng 443 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Quản lý Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng FLC đầu tư 200 tỷ, phải dự phòng 90 tỷ; CTCP FLC Quy Nhơn Golf & Resort đầu tư 1.050 tỷ, phải dự phòng 16 tỷ; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long đầu tư 500 tỷ, phải dự phòng 334 tỷ…

Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư vào các công ty liên kết của FLC cũng đang phải trích lập dự phòng, trong đó lớn nhất là khoản đầu tư 4.015 tỷ vào Bamboo Airways đang phải dự phòng 388 tỷ đồng.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến doanh thu năm 2021 của FLC giảm mạnh là do tập đoàn này đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Bamboo Airways xuống dưới 50% từ tháng 2/2021, dẫn tới không còn là công ty mẹ và không được hợp nhất báo cáo tài chính của hãng hàng không này.

Dù vẫn ghi nhận lợi nhuận dương, nhưng doanh thu năm 2021 của FLC đã xuống mức thấp nhất kể từ 2016 trong khi lợi nhuận ròng rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Tập đoàn FLC và FLC Faros hợp tác trong gói thầu mới tại dự án ở Quảng Ninh và Quảng Bình

Vừa lên kế hoạch ‘trở mình’, công ty chứng khoán nhà FLC đã bị UBCKNN ‘dội gạo nước lạnh’

Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 8/5

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-flc-lam-an-ra-sao-truoc-khi-chu-tich-trinh-van-quyet-bi-bat-124031.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tập đoàn FLC làm ăn ra sao trước khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt?
POWERED BY ONECMS & INTECH