Tập đoàn Nhật Bản đề xuất đầu tư hơn 5.000 tỷ làm đường sắt nhẹ tại tỉnh giàu nhất Việt Nam
Dự án có chiều dài khoảng 13km bắt đầu từ Tòa nhà Becamex trên Đại lộ Bình Dương và kết thúc tại Vòng xoay Thành phố mới Bình Dương.
Theo Báo Bình Dương, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) mới đây đã trình báo cáo tiền khả thi về Dự án phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) tại TP. Thủ Dầu Một.
Cụ thể, tuyến LRT được đề xuất có chiều dài khoảng 13km bắt đầu từ Tòa nhà Becamex trên Đại lộ Bình Dương và kết thúc tại Vòng xoay Thành phố mới Bình Dương. Tuyến dự kiến gồm 10 ga với tổng mức đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng.
Đại diện Tập đoàn Tokyu cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương về việc nghiên cứu khả thi dự án, tập đoàn đã chủ động đề xuất kế hoạch và nhận được sự chấp thuận từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) về việc tài trợ 100 triệu yên để thực hiện khảo sát, lập quy hoạch tổng thể phát triển vùng tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh.

Dự án nghiên cứu không chỉ tập trung vào hệ thống giao thông đường sắt nhẹ (LRT), mà còn bao gồm quy hoạch khu công nghiệp xanh, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo và mô hình thành phố thông minh theo định hướng TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
>> ‘Ông lớn’ Nhật Bản quan tâm tới khu công nghiệp sinh thái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long
Ngoài tuyến LRT, Tokyu cũng đề xuất đầu tư thêm hai tuyến metro khác tại Bình Dương, hình thành mạng lưới gồm ba tuyến: Metro số 1, Metro số 2 và LRT.
Theo đề xuất của Tokyu, có hai phương án triển khai: Phương án thứ nhất là phát triển riêng biệt ba tuyến do vai trò và định hướng vận hành khác nhau; phương án thứ hai là tích hợp tuyến LRT thành tuyến Metro số 2, đồng thời thiết kế hệ thống hạ tầng phù hợp để cả hai loại hình có thể cùng khai thác.
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, tuyến LRT đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mạng lưới giao thông công cộng kết nối giữa các tuyến Metro số 1, số 2 trong tương lai. Tuyến đường sắt nhẹ này sẽ đảm nhiệm chức năng trung chuyển hành khách từ các khu vực trung tâm đến các nhà ga chính của hệ thống metro.
Hiện Sở Xây dựng Bình Dương đang phối hợp cùng tổ chuyên gia của Tập đoàn Tokyu để hoàn thiện báo cáo khả thi của dự án, làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét, lựa chọn phương án đầu tư phù hợp.
Trước đó, vào tháng 3, tại Phiên họp lần thứ 86, UBND tỉnh Bình Dương đã thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên, TP. HCM).
Tuyến đường sắt đô thị số 1 của Bình Dương có tổng chiều dài 32,43km, bao gồm tuyến chính dài 29,01km và đoạn nối Depot dài 3,42km.
Dự án đi qua bốn thành phố của tỉnh gồm Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An với 19 nhà ga và một depot đặt tại phường Phú Chánh, TP. Tân Uyên.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt này sử dụng đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ vận hành tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 64.370 tỷ đồng. Dự án được lên kế hoạch khởi công vào năm 2027 và đưa vào vận hành từ năm 2031.
Dự án có điểm đầu tại nhà ga S1, trung tâm Thành phố mới Bình Dương (phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một) và điểm cuối kết nối với Bến xe Suối Tiên thuộc tuyến Metro số 1 TP. HCM (phường Bình Thắng, TP. Dĩ An, Bình Dương).
Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là những địa phương khác nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Bình Dương đạt 520.205 tỷ đồng nhờ lợi thế từ hệ thống khu công nghiệp hiện đại, thu hút nhiều dự án công nghệ cao.
>> 5 năm nữa, TP đáng sống nhất Việt Nam sẽ có thêm 15 bến cảng, quy mô hơn 23.000 tỷ