Tắt sóng 2G: Điện thoại “cục gạch” sắp bị khai tử
Việc tiêu thụ những mẫu điện thoại “cục gạch” ngày càng khó khăn, nhất là khi thời hạn tắt sóng 2G đang đến rất gần.
Sau ngày 16/9, nhiều mẫu điện thoại di động sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam. Đó là những mẫu máy chỉ hỗ trợ 2G (2G only) với khả năng nghe, gọi cơ bản. Từng được ưa chuộng bởi độ bền cao, thời lượng pin lâu và khả năng chống chịu va đập tốt, chúng thường được biết đến với cách gọi dân dã là điện thoại “cục gạch”.
Một số mẫu điện thoại "cục gạch" nổi tiếng có thể kể đến như Nokia 3310, Nokia 1100 hay Nokia 2100. Tuy có tuổi đời khá cao, nhiều mẫu máy trong số đó hiện vẫn đang được lưu hành trên thị trường.
Theo ghi nhận của VietNamNet, dù kỳ hạn “tắt sóng 2G” đã tới gần, người có nhu cầu vẫn có thể dễ dàng tìm mua điện thoại 2G Only. Các thiết bị này thường được bán ở các cửa hàng di động nhỏ lẻ hoặc được rao bán tại các hội nhóm trên mạng.
Mức giá phổ biến của những mẫu máy 2G only cơ bản như Nokia 1280, Nokia 6300, Nokia 110i thường dao động trong khoảng từ 150.000 - 200.000 đồng. Với những mẫu máy “hàng hot” một thời như Nokia N Gage, Motorola V3 giá bán của máy hiện khoảng từ 300.000 - 700.000 đồng.
Khác với các dòng máy “cục gạch” cơ bản vốn phần nhiều mang tính “chữa cháy”, một số mẫu điện thoại 2G cao cấp vẫn được ưa chuộng và săn tìm bởi giới sưu tầm. Đó là lý do giá một số mẫu điện thoại 2G cao cấp như Motorola Aura, hay Nokia 8800 với các biến thể như Nokia 8800 Carbon Arte, Nokia 8800 Sirocco, Motorola Aura... vẫn duy trì ở mức cao, trên dưới 10 triệu đồng.
Trao đổi với VietNamNet, anh Xuân T.Đ, một người chuyên buôn điện thoại cổ cho biết, phần lớn những mẫu máy này được nhập về Việt Nam theo đường xách tay. Ngoài các mẫu máy cũ, đã qua sử dụng, có cả những chiếc điện thoại “cục gạch” nguyên seal, chưa bóc tem để phục vụ giới sưu tầm.
Theo anh Xuân, trước kia việc kinh doanh điện thoại “cục gạch” tại Việt Nam diễn ra khá tốt. Tuy nhiên, kể từ khi có chủ trương tắt sóng 2G, lượng tiêu thụ mặt hàng này đã giảm mạnh. Hồi còn kiếm được, có thời điểm chủ cửa hàng này nhập đến 300 - 400 máy Nokia mỗi tuần; Nhưng đến nay, doanh số đã giảm tới 60% chỉ so với đầu năm, với chỉ 20 - 30 đơn hàng được tiêu thụ mỗi tháng.
“Tôi đang chuyển sang kiếm sống bằng cà phê take away (mang đi - PV), cửa hàng điện thoại chỉ duy trì, bán nốt để kiếm thêm qua ngày”, vị chủ cửa hàng này cho biết.
Anh Đ.V. Thanh, chủ một gian hàng bán điện thoại cổ tại Hà Nội cũng gặp phải tình huống tương tự khi ngày càng ít người tìm mua máy, nhất là sau khi có chủ trương tắt sóng 2G.
“Người tìm mua điện thoại cổ vẫn có, chủ yếu là những người có mục đích sưu tầm. Hiện họ có xu hướng chuyển sang điện thoại 3G nhiều hơn. Tôi xem trên TV thấy thông báo đến năm 2026 sóng 2G mới cắt hẳn, không biết sau đó sẽ như thế nào”, anh Thanh nói.
Cũng giống như nhiều người dùng di động, các chủ cửa hàng bán điện thoại cổ đều đang hoang mang, nghe ngóng cho số phận của những chiếc điện thoại “cục gạch” tại Việt Nam.
Theo lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam, kể từ ngày 16/9/2024, các nhà mạng viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G). Điều đó cũng có nghĩa, nếu chỉ hỗ trợ duy nhất công nghệ mạng 2G, sau thời điểm trên, những chiếc điện thoại “cục gạch” sẽ đúng nghĩa trở thành đồ cổ.
Quy định này chỉ ngoại lệ với khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK hoặc các thuê bao sử dụng cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M).
Thông báo của Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, hệ thống thông tin di động GSM (2G) sẽ được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15/9/2026, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.
Tuy vậy, Bộ TT&TT cũng khẳng định sẽ chỉ cấp phép lại băng tần 900MHz/1.800MHz dùng cho 2G nếu các nhà mạng có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng điện thoại 2G only hoạt động trên mạng lưới từ ngày 16/9/2024.
VNPT kiến nghị hỗ trợ tắt sóng 2G, phủ sóng vùng lõm
VNPT lên phương án đảm bảo quyền lợi khách hàng khi tắt sóng 2G