Tàu du lịch bị đắm do bão: Sửa mất tiền tỉ, đành bán đồng nát gỡ gạc
Sau hơn 1 tháng ngâm nước biển, nhiều tàu du lịch ở Hạ Long (Quảng Ninh) bị đắm do cơn bão số 3 đã được trục vớt lên bờ. Có phương tiện hư hỏng quá nặng, khiến chủ tàu xót xa phải chờ bán đồng nát để gỡ gạc.
Sau hơn một tháng ngâm nước biển do bão số 3, toàn bộ 23 tàu du lịch bị đắm tại cảng Tuần Châu, TP Hạ Long, Quảng Ninh đã được trục vớt. Những tàu đắm tại đây được trục vớt lần lượt chứ không phải 1 lần vì không đủ đơn vị đảm nhiệm việc này.
Các chủ tàu ở đây cho biết, do phụ thuộc vào thủy triều nên hầu hết các tàu đều được trục vớt vào sáng sớm, khi mực nước biển ở mức thấp nhất.
Khi tàu được vớt lên bờ, khoang máy và cabin trong tàu ngập ngụa bùn đất; đồ đạc, nội thất hư hỏng vì ngâm nước biển dài ngày. Ngoài ra, phần máy phía sau tàu bị trôi mất một phần linh kiện.
Bà Nguyễn Thị Hương (chủ đội tàu du lịch Đông Dương), chia sẻ, đội tàu của bà bị đắm 1 chiếc khi bão số 3 đổ bộ. Chiếc tàu này chỉ nhô phần đầu khỏi mặt nước, thiệt hại gần 3 tỷ đồng.
Bà Hương đã phải thuê đội trục vớt tàu với số tiền gần 80 triệu đồng, chưa kể tiền di chuyển về nơi sửa chữa. Sau thời gian khắc phục, dự kiến một tháng nữa tàu sẽ hoạt động trở lại.
"Trước đó, đoàn công tác của các sở, ban ngành đã tới khu vực tàu đắm để kiểm tra, rà soát, nắm tình hình, từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp, đúng chính sách. Tôi cũng nhận được thông báo nhận tiền hỗ trợ vào tháng 11 từ chính quyền địa phương sau khi hoàn thành các thủ tục theo hướng dẫn của Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, với mức 50 triệu đồng/tàu", bà Hương nói.
Ông Bùi Văn Tuyên (chủ đội tàu Indochine Hạ Long) có 4 chiếc tàu du lịch bị đắm, đến nay đã được trục vớt lên hết. Số tiền ông bỏ ra thuê để "cứu tàu" là gần 400 triệu đồng. Cộng với tiền để sửa chữa, ông thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải tàu nào cũng "cứu chữa" được. Theo ông Tuyên, trong 4 chiếc tàu bị đắm có 1 chiếc hư hỏng quá nặng, kinh phí nếu sửa chữa phải gần 1 tỷ đồng và chỉ còn niên hạn hoạt động hơn một năm nên ông quyết định trục vớt lên rồi bán đồng nát.
Lý do là bởi, qua hạch toán của ông Tuyên, với số tiền sửa chữa gần 1 tỷ đồng, chiếc tàu hư hỏng nặng sẽ không thể đủ thời gian hoạt động để thu hồi lại số tiền trên khi niên hạn sử dụng còn hơn 1 năm nữa.
"Sửa chữa xong cũng không thể thu được số tiền như đã bỏ ra nên tôi chỉ còn cách bán đồng nát, mong có người mua. Sắp tới, nếu được nhận tiền hỗ trợ thì chúng tôi cũng đỡ phần nào thiệt hại", ông Tuyên tâm sự.
Trước đó, ngày 23/9, tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 14, nhiệm kỳ 2021-2026, 100% đại biểu đã nhất trí thông qua 5 nghị quyết. Trong đó, có nghị quyết hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền có đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm do bão số 3 trên địa bàn.
Mức hỗ trợ chi phí trục vớt phương tiện bị chìm là 50 triệu đồng/tàu, thuyền có chiều dài từ 12m trở lên; 15 triệu đồng/tàu, thuyền có chiều dài từ 6-12m.
Tỉnh Quảng Ninh không xem xét hỗ trợ đối với các tàu thuyền đã mua bảo hiểm thân, vỏ tàu; các phương tiện tàu, thuyền không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống bão hoặc không thực hiện di chuyển, neo đậu vào đúng vị trí neo đậu, tránh trú bão theo chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.
>> Các chủ vườn đào ở Hà Nội chi bộn tiền để cải tạo vườn sau lũ